Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của Sabeco vừa công bố, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp này ghi nhận đạt 4.909 tỷ đồng, giảm tới 47% so với quý I/2019. Đây là mức doanh thu theo quý thấp nhất của Sabeco kể từ năm 2016 đến nay.
Trong cơ cấu doanh thu bán hàng, doanh thu bia chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 4.350 tỷ đồng, giảm tới 45% so với cùng kỳ năm 2019. Kế tiếp là doanh thu bao bì vật tư ghi nhận đạt 513 tỷ đồng, giảm trên 61% so với cùng kỳ. Doanh thu nước giải khát đạt 32 tỷ đồng, giảm 51%. Riêng mặt hàng rượu cồn ghi nhận tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ năm 2019, đạt 22 tỷ đồng, tăng 120%.
Nhờ cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp từ 23% (quý I/2019) lên 28% nên lợi nhuận gộp của Sabeco có mức giảm thấp hơn doanh thu (giảm 38%), đạt 1.350 tỷ đồng trong kỳ.
Trái ngược với doanh thu bán hàng giảm mạnh, doanh thu tài chính của Sabeco tăng 56% trong quý I/2020, lãi ròng 96,8 tỷ đồng nhờ khoản tăng lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá.
Phần lãi/lỗ trong các công ty liên doanh, liên kết của Sabeco và đa số là những doanh nghiệp trong lĩnh vực bia, rượu cũng chỉ còn 41 tỷ đồng, giảm mạnh tới 46%.
Theo giải trình của Sabeco, sở dĩ doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019 là do ảnh hưởng khủng hoảng không mong đợi của đại dịch COVID-19. Do vậy, Sabeco đã thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để bù đắp.
Báo cáo tài chính quý I của Sabeco cho thấy, các chi phí như bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 19% và 15% so với cùng kỳ, mức giảm thấp hơn mức giảm của doanh thu. Các khoản chi phí được công ty cắt giảm mạnh nhất là quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ; bao bì, luân chuyển; nhân công…
Sau khi hạch toán chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của Sabeco trong quý I/2020 chỉ đạt 717 tỷ đồng, giảm 44% so với quý I/2019. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của Sabeco trong vài năm gần đây. Ngoài ra, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Sabeco cũng ghi nhận âm tới 1.097 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 là dương 378 tỷ đồng.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh giảm mạnh của Sabeco trong quý I/2020 không chỉ do đại dịch COVID-19 thay đổi hành vi tiêu dùng mà còn chịu tác động kép từ Nghị định 100. Đồng thời, Sabeco cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng bia nước ngoài như: Heineken, Sappro, Budweiser… Các báo cáo phân tích gần đây của các công ty chứng khoán đều dự báo doanh thu và lợi nhuận của Sabeco sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong năm 2020 từ các tác nhân trên.
Theo bộ phận phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, các hãng bia sẽ phải đối mặt với sản lượng tiêu thu giảm trong quý I/2020, thậm chí tiếp diễn trong quý II. Doanh thu tại các nhà hàng đã bị ảnh hưởng do các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch COVID-19. Người dân ngày càng có xu hướng tránh xa những nơi tụ họp đông người vì lo ngại lây lan virus. Trong khi đó, theo ước tính của Euromonitor, doanh thu ngành bia tại các nhà hàng chiếm khoảng 70% về tổng sản lượng tiêu thụ và 76% về giá trị.
SSI dự báo sản lượng tiêu thụ bia của Sabeco có thể sụt giảm từ 12 - 20% trong năm nay, tương ứng với kịch bản dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát, kết thúc vào giữa, cuối và sau quý II.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đưa ra nhiều kịch bản cho kết quả kinh doanh của Sabeco trong năm 2020, nhưng đều thiên về khả năng doanh thu sẽ giảm.
Theo đánh giá của BVSC, năm 2020 được dự báo sẽ là một năm đầy thử thách của Sabeco. Hai yếu tố bất lợi chính là Nghị định 100 và đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ bia – rượu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán cũng cho rằng, về dài hạn, dù đối với kịch bản nào, tiêu thụ bia sẽ phục hồi trở lại tốc độ tăng trưởng bình thường khi người tiêu dùng thay đổi thói quen để thích nghi với quy định mới cũng như niềm tin của người tiêu dùng hồi phục khi dịch bệnh kết thúc.
Theo các chuyên gia, Sabeco sẽ tập trung theo đuổi tái cấu trúc công ty nhanh chóng cho dù ở kịch bản nào. Tối ưu hóa chi phí là một giải pháp giúp công ty tiến về phía trước để tiếp tục đạt tỷ suất lợi nhuận cao, cạnh tranh vị trí tốt nhất trong ngành.
Trong trung và dài hạn, ThaiBev (hãng đồ uống lớn nhất Thái Lan đang sở hữu chi phối tại Sabeco) còn rất nhiều việc phải làm ở Sabeco và nhiều giá trị khác có thể được "mở khóa" từ quá trình tái cơ cấu. Do đó, nếu giá cổ phiếu SAB của Sabeco giảm về các vùng giá hấp dẫn hơn song song với việc công bố kết quả kinh doanh kém khả quan trong các quý tới sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu SAB cho mục tiêu đầu tư xa hơn…