Chính sách tín dụng hướng tới doanh nghiệp

Trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm đáp ứng yêu cầu tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh của Chính phủ.

Nới lỏng chính sách tiền tệ

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, mới đây Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã tập trung bàn và đánh giá các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Để thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, thời gian tới phải ban hành 49 nghị định, tới 31/5 đã trình Chính phủ 35 nghị định, trong đó đã thẩm định 10 dự thảo nghị định, chưa trình 14 nghị định. “Việc ban hành 49 nghị định hướng dẫn 2 Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng nhằm tháo bỏ rào cản, tháo bỏ giấy phép con, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội để vay vốn. Ảnh: TRẦN VIỆT - TTXVN

Không chỉ tạo sự thông thoáng về mặt pháp lý cho doanh nghiệp mà ở góc độ nguồn vốn cho doanh nghiệp, Chính phủ cũng đang tích cực chỉ đạo với phương án kể cả trước mắt, cũng như lâu dài. Tại Phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu hệ thống ngân hàng giảm lãi suất và tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo NHNN xây dựng lộ trình báo cáo Thủ tướng, quyết tâm từ nay đến cuối năm đưa ra các kịch bản giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Về lâu dài, theo như Nghị quyết số 35/NQ - CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, ban hành ngày 16/5/2016, Chính phủ yêu cầu NHNN Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng...

Sau cam kết của một số ngân hàng thương mại (NHTM) lớn sẽ giảm lãi suất cho vay, thì để triển khai chỉ đạo trên, động thái của NHNN mới đây cũng đang cho thấy, cơ quan này đang hướng tới mục tiêu cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là cho các doanh nghiệp. Thông tư 06/2016/TT - NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT - NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư 07/2016/TT - NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT - NHNN cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. 

Với Thông tư 06 có 2 điểm lớn rất ý nghĩa với doanh nghiệp là NHNN quy định sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn tại các NHTM vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016 và đầu năm sau giảm xuống còn 50%, từ 1/1/2018 tỷ lệ này chỉ còn 40%. Thứ 2 là đến hết năm 2016, hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản vẫn là 150% như quy định hiện hành; và từ 1/1/2017 hệ số rủi ro sẽ được nâng lên 200%. Như vậy, quy định về giữ tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn giữ 60% tới cuối năm nay và giảm theo lộ trình sẽ giúp các NHTM cân đối tốt nguồn vốn để cho các DN vay vốn.

Khơi thông dòng chảy tín dụng

Một dẫn chứng cho thấy khó khăn về tiếp cận vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế là tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng gần đây khá chậm. Tính đến ngày 20/5/2016, dù tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,88% so với tháng 12/2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 3,64%) nhưng tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước chỉ tăng 4,52%. Như vậy, để đưa tăng trưởng tín dụng cả năm lên mức 18 - 20% như định hướng của NHNN thì các giải pháp khơi thông dòng chảy tín dụng là hết sức cần thiết.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, trước đó NHNN có ý định giảm luôn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống mức 40% và điều chỉnh hệ số rủi ro với cho vay kinh doanh bất động sản lên 250%. Tuy nhiên, những thông điệp mà Thông tư 06 đưa ra là quyết định hợp lý. Theo ông Hiếu, điều này cũng giúp các NHTM có nhiều vốn hơn cho vay nền kinh tế, nhất là khi GDP đang tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, thì tới đây nguồn vốn NH sẽ góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Theo chuyên gia ngân hàng TS Cấn Văn Lực khi NHNN ban hành Thông tư 07 cho vay lại ngoại tệ với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt là xuất khẩu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đỡ khó khăn. Đồng thời góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay khoảng 6,7% như Quốc hội và Chính phủ quyết tâm đạt được. “Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc giảm giá xuất khẩu và tình trạng phá giá đồng tiền của các nước xuất khẩu cạnh tranh trong năm 2015. Do vậy, nếu không tiếp tục được cho vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ, doanh nghiệp phải chuyển sang vay vốn ngắn hạn bằng VND lãi suất cao hơn sẽ làm tăng giá thành sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp càng thêm khó”, TS Cấn Văn Lực giải thích.

Động thái của NHNN khi ban hành Thông tư 07 cũng được TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhìn nhận như một mũi tên trúng hai mục tiêu. Thứ nhất, khả năng sức cầu về VND sẽ giảm đi khi NHNN cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ đối với một số đối tượng khách hàng. Thứ hai, giúp cho NHNN điều hành chính sách linh hoạt, đồng thời giảm lãi suất VND, hỗ trợ doanh nghiệp, điều mà Chính phủ đang mong muốn. “Với những động thái của NHNN, thì vẫn có thể đưa tăng trưởng tín dụng lên mức 18 - 20% như định hướng của NHNN mà không lo áp lực lạm phát”, ông Lịch nói.

Đức Kiên
Giám sát thực hiện chính sách tín dụng
Giám sát thực hiện chính sách tín dụng

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, trong thời gian qua, tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần tích cực vào phát triển chung của chính sách an sinh xã hội, nhất là giảm nghèo bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN