Chính sách KHCN thúc đẩy phát triển KT-XH - Bài cuối: Những con số 'biết nói' và giải pháp 'đột phá'

Giai đoạn 2010-2020, ngành khoa học và công nghệ đã có bước phát triển vượt bậc trong nghiên cứu, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Những kết quả đạt được của ngành khoa học và công nghệ đã được ghi nhận và đánh giá cao tại Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 về “Phát triển khoa học và Công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Những con số "biết nói"

Chú thích ảnh
Mô hình trang trại thông minh Delco Farm (tại xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) được xây dựng và thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ cao. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp cùng với người dân đã mang lại những đổi thay mang tính toàn diện trong các ngành, lĩnh vực. Ngành khoa học và công nghệ đã có bước phát triển vượt bậc, được các ngành, lĩnh vực ghi nhận và đánh giá cao… tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Đối với ngành nông nghiệp, khoa học và công nghệ đã “len lỏi” từ khâu giống, vật tư, chuỗi sản xuất, ứng dụng công nghệ cao... góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về “lượng” và “chất”.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ngành nông nghiệp phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực sáng tạo và chuyển giao công nghệ… để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững trong thời gian tới.

Tính đến tháng 6/2019, Việt Nam có khoảng 11.200 doanh nghiệp nông nghiệp; hình thành 27.000 mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Theo báo cáo, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi… sản xuất nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành tựu về quy mô và trình độ sản xuất, nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, góp phần vào kết quả kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2018 đạt hơn 40 tỉ USD.

Trong công nghiệp, xây dựng, giao thông, ngành khoa học và công nghệ tập trung vào hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Làm chủ công nghệ, thiết kế, thi công các nhà máy thủy điện lớn, phát triển nguồn điện, lưới điện, công trình nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc đạt chuẩn quốc tế…

Điển hình, việc thiết kế, chế tạo thành công giàn khoan dầu khí tự nâng 90 m và 120 m nước với công nghệ cao và giá trị lớn đã được áp dụng cho dự án Tam đảo 3 và Dự án Tam đảo 5 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, góp phần tạo sự đột phát trong ngành cơ khí dầu khí. Ngoài ra, ngành khoa học và công nghệ cũng hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô từng bước sản xuất, lắp ráp được các loại xe buýt chất lượng cao với tỉ lệ nội địa hóa lên đến 40%, chế tạo ô tô tải, ô tô chuyên dụng với tỉ lệ nội địa hóa trên 50%...

Đối với lĩnh vực y tế, với các nghiên cứu trong lĩnh vực y - dược, ngành khoa học và công nghệ cũng góp phần mạnh mẽ trong công tác bảo vệ, nâng cao sức khỏe của người dân trong việc phòng và khám chữa bệnh. Điển hình là ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện vào năm 2017 do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 thực hiện thành công, chứng minh trình độ khoa học và công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực y học ngày càng phát triển.

Việt Nam đã làm chủ quy trình ghép các tạng như: Tim, gan, thận… và triển khai rộng rãi, có hiệu quả, mang lại cuộc sống cho hàng nghìn người bệnh. Tiến bộ của khoa học và công nghệ đã hỗ trợ hiệu quả trong việc chẩn đoán, điều trị ung thư, các kỹ thuật sinh học phân tử, giúp chẩn đoán các bệnh nguy hiểm khó chẩn đoán bằng các kỹ thuật thông thường như bệnh huyết tán bẩm sinh, SARS, cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), cúm A (H7N9)...

Ngoài ra, trong số 30 loại vắc-xin phòng bệnh trên thị trường thì các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công 10 loại để đưa vào phục vụ Chương trình Tiêm chủng mở rộng, chủ động nguồn vắc-xin phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Khoa học và công nghệ có đóng góp trong tất cả, góp phần hiệu quả trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ với trên 70 quốc gia, vùng lãnh thổ để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam, tiếp cận gần hơn với các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.

Giải pháp “đột phá”

Ngành khoa học và công nghệ tuy đạt được những kết quả rõ nét, đáng ghi nhận nhưng chưa đáp ứng và theo kịp sự phát triển khi nhiều nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu chưa gắn với thị trường, hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm… các quy định, cơ chế chính sách chưa có “tầm nhìn” dài hạn để đối mặt với “thách thức” và tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để khoa học và công nghệ thực sự là nền tảng, là động lực” then chốt trong tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam hàng năm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh kiến nghị một số giải pháp để ngành khoa học và công nghệ có thể “bứt phá”.

Theo đó, thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút có hiệu quả nguồn đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, có tiềm năng đóng góp, lan tỏa, chuyển giao công nghệ và liên kết với doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, ngành triển khai các giải pháp tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hoàn thiện khung pháp lý cho các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, liên kết với cộng đồng khởi nghiệp khu vực và quốc tế, để khởi nghiệp sáng tạo là động lực “đột phá” đổi mới mô hình tăng trưởng

Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành tiếp tục đổi mới cơ chế huy động và sử dụng ngân sách Nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cũng như hoạt động của các quỹ khoa học và công nghệ, tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng hiệu quả.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…

Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung ưu tiên triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách khoa học và công nghệ, đẩy mạnh việc xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Đo lường, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật để trình Quốc hội thông qua; xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi để quy định các nội dung cam kết theo lộ trình, đảm bảo việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

HL (TTXVN)
Chính sách KHCN thúc đẩy phát triển KT-XH - Bài 3: Tập trung đầu tư lĩnh vực mũi nhọn
Chính sách KHCN thúc đẩy phát triển KT-XH - Bài 3: Tập trung đầu tư lĩnh vực mũi nhọn

Thời gian qua, tiềm lực khoa học và công nghệ tiếp tục được củng cố và phát triển nhanh chóng, nhiều nhiệm vụ, chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm được triển khai, quản lý khoa học và công nghệ các cấp ngày càng hiệu quả, minh bạch… tạo điều kiện thuận lợi để khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN