Giai đoạn 2016-2020, ngành khoa học và công nghệ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đặc thù, mũi nhọn có hàm lượng công nghệ cao, trong đó ưu tiên tập trung cho công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đầu tư lĩnh vực đặc thù, mũi nhọn
Thực hiện Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao, đẩy mạnh hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực công nghệ cao.
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành tập trung hoàn thiện đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về Khu công nghệ cao để làm tiêu chí xây dựng các tiêu chí cho dự án công nghệ cao.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 phê duyệt đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực đặc thù, lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ… góp phần nâng cao tiềm lực về khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết: Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thục hiện 13 dự án hỗ trợ phát triển ngành cơ khí trong nước, theo đó các dự án khoa học và công nghệ đã đem lại hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo dây chuyền đồng bộ, từng bước đưa ngành cơ khí chế tạo Việt Nam nắm vững và làm chủ các phần mềm thiết kế hiện đại, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá thành cạnh canh mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ.
Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2020 đã có 2 Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước liên quan đến lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là Chương trình KC.02/16-20 về vật liệu và KC.05/16-20 về năng lượng được triển khai nhằm tạo ra nhiều chủng loại vật liệu mới, công nghệ mới có trình độ tương đương với khu vực và thế giới thay thế các sản phẩm nhập khẩu cùng loại.
Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đối với chế tạo thử nghiệm hay thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu, 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với các dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu trong nước…
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên xem xét hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia đối với các chi phí chuyển giao công nghệ mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, chuyên gia… nhằm từng bước “lan tỏa” công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài chuyển giao vào doanh nghiệp trong nước.
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp, các bộ, ngành đều tích cực triển khai hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng Đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khuyến khích phụ nữ và thanh niên khởi nghiệp với các ý tưởng sáng tạo độc đáo thông qua các cuộc thi, ngày hội khởi nghiệp được tổ chức tại các địa phương trên cả nước, điển hình là cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia được hoàn thiện và đưa vào hoạt động tại địa chỉ: http://www.startup.gov.vn đã cung cấp hoạt động của chương trình khởi nghiệp…
Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đang được triển khai nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có 600 dự án phát triển thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Đề án 844 cũng góp phần tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới...
Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang từng bước phát triển mạnh mẽ với 8 công viên phần mềm, 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 9 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, gần 50 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ…
Bên cạnh đó, 63 Trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng với các tổ chức trung gian kiểu mới gắn kết với viện nghiên cứu, trường đại học, các khu làm việc chung… đang hoạt động hiệu quả tại các tỉnh, thành phố lớn… đã hỗ trợ “toàn diện” và “tập trung” cho doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ. Đặc biệt, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh trong khu vực tư nhân những năm gần đây mang đến “làn sóng” mới cho cộng đồng khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam.
Đặc biệt, việc xây dựng đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia và Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia, cùng với hành trình “phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo năm 2018” đã góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hoạt động của các quỹ như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã hỗ trợ các nhiệm vụ, hoạt động thúc đẩy cơ chế hợp tác công - tư, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã ban hành kế hoạch hành động tập trung vào các nhiệm vụ chính như: Tập trung tuyên truyền về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Bài cuối: Những con số 'biết nói' và giải pháp 'đột phá'