Chính sách KHCN thúc đẩy phát triển KT-XH - Bài 2: Đồng hành cùng doanh nghiệp, tái cấu trúc kinh tế

Trong sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc tái cấu trúc các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo... đặc biệt quan trọng.

Sự chuyển dịch chính sách để khoa học và công nghệ đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của chuỗi sản xuất, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước dành cho khoa học và công nghệ.

Tái cấu trúc ngành theo chuỗi giá trị

Chú thích ảnh
Các học viên thực hành lập trình và vận hành Robot tại SHTP-Traing. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 tại Quyết định số 418/QĐ-TTg, ngành khoa học và công nghệ đặt mục tiêu đến năm 2020, khoa học và công nghệ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10 - 15%; giá trị giao dịch thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15 - 17%; số lượng công bố giao dịch quốc tế, sáng chế đăng ký bảo hộ tăng; tăng tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt trên 2% vào năm 2020; đảm bảo mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ không dưới 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm... Đặc biệt, đến năm 2020 cả nước hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới, 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Ngành khoa học và công nghệ đã phối hợp với các cấp, các ngành ứng dụng khoa học công nghệ, tái cấu trúc các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng… đảm bảo mục tiêu đề ra. Tính đến đầu năm 2019, cả nước đã có 50 cơ sở ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ cao. Việt Nam cũng được UNESCO công nhận 2 trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý… 

Tuy nhiên, một số mục tiêu như: Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tính đến đầu năm 2019 cũng đã đạt gần 15%, tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao đã có mức tăng trưởng khá, mức đầu tư cho khoa học và công nghệ cũng đã tăng hàng năm… nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tái cấu trúc ngành khoa học và công nghệ, sắp xếp, tổ chức lại các mạng lưới, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thay đổi phương thức cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập từ việc cấp theo số lượng biên chế sang hình thức tài trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động và đóng góp của tổ chức khoa học và công nghệ theo Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập… đảm bảo chuyển dịch chính sách để khoa học và công nghệ đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của chuỗi sản xuất, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ.

Cùng với sự chuyển dịch chính sách, ngành khoa học và công nghệ tập trung tái cấu trúc theo hướng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và địa phương, phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ gắn với chuỗi sản xuất hàng hóa, các sản phẩm chủ lực, ưu thế từng vùng và địa phương… Đặc biệt, tập trung tái cấu trúc nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đảm bảo có năng lực thực tiễn cao, bám sát nhu cầu phát triển của địa phương, vùng cũng như quy hoạch phát triển cả nước; đẩy mạnh việc kết nối giữa nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến doanh nghiệp có các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển), để nhà khoa học là “hạt nhân” của sự phát triển, đồng thời cũng tránh tình trạng “chảy máu chất xám”.

Hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2020

Theo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, giai đoạn 2011-2015 hình thành 3.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đến năm 2020 hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Để phấn đấu đạt mục tiêu, ngày 1/2/2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có hiệu lực từ ngày 20/3/2019; đã có nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy việc hình thành và phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khoa học công nghệ trong thời gian tới.

Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 04/2018/NĐ-CP ngày 10/1/2018 quy định cơ chế ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; Quyết định 09/2019/QĐ-TTg ngày 15/2/2019 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng như các cơ chế, chính sách “đặc thù” để thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét  để ban hành Quy chế hoạt động Khu Công nghệ cao Công nghệ sinh học Đồng Nai…

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết: Đến đầu năm 2019 đã có 43 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao, 386 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ và hơn 2.000 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, như vậy số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ đạt mục tiêu hình thành 3.000 doanh nghiệp có thể “chạm tới”. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2020 còn cả “chặng đường dài”phía trước, cần sự chung tay, phối hợp giữa các cấp, ngành trong ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.

Thực tế, lực lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ chưa nhiều về mặt số lượng như “kỳ vọng” nhưng đã tác động tới phát triển kinh tế - xã hội khá rõ nét, tạo ra xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, để hỗ trợ việc đạt mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ cũng đã đẩy mạnh hoạt động của các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia… Đến nay, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã tiếp nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ do các doanh nghiệp tại 35 tỉnh, thành phố đề xuất, tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tài trợ cho doanh nghiệp… góp phần nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đến tháng 12/2018 đã hỗ trợ hơn 2.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, trong đó tập trung vào nghiên cứu cơ bản, chú trọng đầu tư hỗ trợ khoa học cơ khí trọng điểm, lĩnh vực đặc thù và lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao.

Bài 3: Tập trung đầu tư lĩnh vực mũi nhọn

HL (TTXVN)
Chính sách KHCN thúc đẩy phát triển KT-XH - Bài 1: Cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý
Chính sách KHCN thúc đẩy phát triển KT-XH - Bài 1: Cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý

Thời gian qua, hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ cơ bản được hoàn thiện, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động khoa học và công nghệ phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN