Chinh phục miền đất khó bằng khoa học công nghệ

Tân Hòa Thành chính là vùng đất nhiễm phèn, điều kiện canh tác khó khăn đặc thù của Đồng Tháp Mười - một vùng trũng rộng lớn, thiên nhiên khắc nghiệt, hoang hóa nổi tiếng ở Nam bộ xưa. Hưởng ứng chủ trương của nhà nước về khai hoang, phục hóa, dựng nghiệp trên miền đất mới, ông Đỗ Văn Oanh sinh năm 1957 cư ngụ tại xã Tân Hòa Thành, Tân Phước (Tiền Giang) khai phá 8 công đất phèn (0,8 ha) đưa vào trồng lúa năng suất cao mỗi năm 3 vụ. Độc canh cây lúa, giá cả đầu ra bấp bênh trong khi năng suất không cao, chi phí lớn... nên gia đình ông Oanh quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống vẫn nhiều khó khăn.


Không thể kéo dài tình trạng nghèo khó, ông Đỗ Văn Oanh học tập kinh nghiệm, nghiên cứu áp dụng những mô hình canh tác mới mẻ đang được khuyến khích trong vùng. Trồng luân canh 2 lúa + 2 màu kết hợp với nuôi gà nòi lai thả vườn ngưỡng an toàn sinh học là mô hình sản xuất mới mà ông đi tiên phong áp dụng tại Tân Hòa Thành vài năm nay.


Ông cho biết: đầu tiên cần xác định đoạn tuyệt với tập quán làm ăn cũ, chọn những cây màu phù hợp đưa xuống luân canh trên ruộng lúa, nắm vững kỹ thuật chăn nuôi gà nòi lai thả vườn theo ngưỡng an toàn sinh học... Cây lúa năng suất cao, dưa hấu, bắp ngọt là những cây trồng kinh tế ông đưa vào mô hình canh tác mới mẻ của mình. Đối với cây lúa, ông tiên phong áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp, ba giảm ba tăng, bón phân theo bảng so màu lá lúa nhằm giảm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả trồng trọt.


Về cơ cấu mùa vụ, ông bố trí như sau: vụ đông xuân và hè thu trồng lúa năng suất cao. Khi thu hoạch lúa hè thu xong làm đất, lên liếp trồng dưa hấu trên diện tích 5 công đất (0,5 ha). Dưa hấu trồng giống Phù Đổng có ưu điểm năng suất cao, ít bị sâu bệnh tấn công. Dưa hấu trúng mùa và trúng giá. Bình quân năng suất 2,5 tấn/công đất, 5 công đất ông đạt sản lượng 12,5 tấn bán với giá 5.000 đồng/kg thu 62,5 triệu đồng trong đó lãi ròng 30 triệu đồng. Xong vụ dưa hấu thắng lợi, ông Đỗ Văn Oanh chuyển sang trồng bắp ngọt có ưu điểm ngắn ngày, ít tốn phân bởi tận dụng được nguồn phân bón trên đất trồng dưa hấu trước đây. 5 công đất trồng bắp sau vụ thu hoạch trừ chi phí còn lãi 10 triệu đồng. Xong vụ bắp lại chuẩn bị làm đất để sản xuất lúa trong vụ đông xuân tới. Cứ xoay vòng theo một vòng quay khép kín và hiệu quả gấp hai ba lần trồng lúa độc canh trước đây.


Không dừng lại ở những kết quả mỹ mãn như trên, năm qua ông Đỗ Văn Oanh bắt đầu áp dụng mô hình nuôi gà nòi lai thả vườn theo ngưỡng an toàn sinh học. Qui mô nuôi ban đầu 500 con, chú trọng áp dụng các tiến bộ mới trong chăm sóc, dinh dưỡng, tiêm phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Thành công ngoài dự đoán. Giá gà nòi lai thả vườn vừa qua ông bán được 85.000 đồng/kg bình quân, thu lãi 15 triệu đồng sau một vụ nuôi.


Mới vài năm chuyển đổi sản xuất theo mô hình khoa học, ông đã vượt khó thoát nghèo, cuộc sống sang một trang mới tươi vui và giàu có hẳn lên. Ông Đỗ Văn Oanh vui mừng cho biết, nhờ nguồn lợi từ mô hình luân vụ lúa + màu và nuôi gà nòi lai theo ngưỡng an toàn sinh học, mình đã cất được nhà cửa khang trang, con cái ăn học đàng hoàng, mua thêm tư liệu sản xuất...


Ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước đánh giá cao về trình độ sản xuất của ông Đỗ Văn Oanh. Ông Huỳnh Văn Bườn cho biết: Tân Phước là miền đất khó, nhiễm phèn nặng mà nếu không có giải pháp canh tác, biện pháp xử lý, thâm canh như ông Đỗ Văn Oanh, nông dân khó đạt thành quả. Mới đây, ông được tín nhiệm bầu vào Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ khuyến nông xã Tân Hòa Thành, Tân Phước.



Minh Trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN