Lãnh đạo Tổng cục Thống kê chỉ ra, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Cụ thể, trong 7 tháng, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%), đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,4%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,2%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%), làm giảm 0,9 điểm phần trăm.
Theo đó, một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước; đó là: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 17,3%; khai thác quặng kim loại tăng 15,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,0%; sản xuất kim loại tăng 12,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,5%...
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm; đó là khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 2,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,8%...
Cùng với đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2024 tăng cao: Thép thanh, thép góc tăng 31,4%; thép cán tăng 17,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 17,0%; phân hỗn hợp NPK tăng 14,2%; sữa bột tăng 12,3%; đường kính tăng 12,0%; linh kiện điện thoại tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: khí đốt thiên nhiên dạng khí và khí hóa lỏng LPG cùng giảm 16,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 7,1%; bia giảm 3,8%; điện thoại di động giảm 3,2%; alumin giảm 3,1%; sắt, thép thô giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, song song với sự phục hồi của lĩnh vực tiêu dùng và xuất khẩu, lĩnh vực sản xuất cũng được cải thiện ngày càng tích cực và rõ nét hơn. Nhờ sự ổn định của dòng vốn FDI, ngành chế biến chế tạo ngày càng tăng tốc kéo theo sự phục hồi của các ngành tiện ích đi kèm như phân phối điện, cung cấp nước và xử lý rác thải. IIP ở tháng sau, quý sau cao hơn hẳn so với các tháng, quý trước đó.
Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù, đạt kết quả tăng trưởng khả quan trong 7 tháng năm 2024, tuy nhiên, ngành sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Có thể thấy, dù đã được cải thiện song nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu, những điểm nghẽn lớn của công nghiệp trong thời gian dài vừa qua vẫn chưa được khắc phục hiệu quả.
“Sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao”, ông Phạm Tuấn Anh cho hay.
Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Tổng cục Thống kê đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã đặt ra những nhiệm vụ nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất thông suốt, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp trong quý III/2024. Theo đó, Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, trong đó có những văn bản quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp như: Luật Công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất…
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng tập trung tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp cả ngắn hạn cũng như dài hạn. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình làm việc với các địa phương nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm.
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng Phí Thị Hương Nga, Tổng cục Thống kê cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh các chương trình kích cầu, khuyến mãi nhằm tăng sức mua của người dân, giúp các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày… giảm áp lực đầu ra, mở rộng thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó. Đặc biệt đối với các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, các địa phương cần tổ chức nhiều triển lãm kết nối cung cầu, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm được đối tác, mở rộng đầu ra cho sản phẩm…