Cùng đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo định hướng Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực...
Ông Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố Hà Nội tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời tập trung khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch, Hà Nội tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ khách du lịch tra cứu thông tin du lịch Hà Nội.
Ông Đậu Ngọc Hùng, Cục Trưởng Cục Thống kê Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 3% và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Có 77,4% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II ở mức ổn định và tốt hơn so với quý I; 82,2% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn trong quý III/2024.
Qua kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Cục Thống kê Hà Nội đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2024 cho thấy. có 28,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2024 tốt hơn quý I/2024; 48,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 22,6% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Nếu những tháng tiếp theo thị trường xuất khẩu được cải thiện, số lượng đơn đặt hàng tăng lên, xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2024 là 32,3% số doanh nghiệp dự kiến quý III/2024 sẽ tốt lên so với quý II/2024; 49,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,8% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong số đó có 80,7% số doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2024 sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI lần lượt là 90% và 86,4%.
Nhờ có nhiều giải pháp, biện pháp tích cực giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nên bước sang quý II/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội có nhiều tín hiệu tích cực khi các đơn hàng tiếp tục tăng. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5%; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,1%; chỉ số tiêu thụ tăng 13,1%; chỉ số tồn kho cuối tháng 6 giảm 30,1%.
Nhờ tình hình sản xuất khả quan, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp cũng giữ được ổn định hoặc có lúc giảm nhẹ. Ước tính đến đến cuối tháng 6/2024 lao động việc làm tại lĩnh vực công nghiệp tăng 0,3% so với cuối tháng trước và tương đương cùng thời điểm năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,2%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 2,8%; khu vực Nhà nước tăng 1,2%. Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2023; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%; ngành khai khoáng tăng 18,9%.
Nếu tính chung trên tất cả các lĩnh vực, thành phố đã đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động trên địa bàn. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 124,9 nghìn lao động, đạt 75,7% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng, thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền là 2,1 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 37,3 nghìn lao động; Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thành công 128 phiên giao dịch việc làm với 3.746 đơn vị, doanh nghiệp tham gia và 27,2 nghìn lượt lao động được phỏng vấn, kết quả có 8,7 nghìn người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch; có 2,2 nghìn người được giải quyết đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc; 76,7 nghìn người tự tạo việc làm qua tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố.
Cùng đó, thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 35,9 nghìn người, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2023 với số tiền hỗ trợ 1.088 tỷ đồng; 100% trường hợp đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tư vấn tìm việc làm mới; trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 385 người với số tiền 1,5 tỷ đồng.