Giá thực phẩm tăng mạnh nhất
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, tháng 2 là tháng Tết nên giá một số mặt hàng phục vụ Tết đều tăng giá. Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,66% vì nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng. Bên cạnh đó, các thương lái tập trung thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Philippines.
Trong nhóm các mặt hàng tính CPI, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng mạnh nhất là 2,45% do các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng khá cao do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm phục vụ Tết tăng cao. Cụ thể, giá thịt lợn tăng 2,01%, giá thịt bò tăng 3,22%, giá thịt gà tăng 2,46%... Đặc biệt, giá rau tươi, rau khô và rau chế biến tăng 7,1% do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại trên toàn miền Bắc.
Rau xanh sốt giá nhưng chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng nhẹ. Ảnh: Đinh Văn Nhiều - TTXVN |
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, chỉ số giá thực phẩm do Tổng cục Thống kê đưa ra có thể chưa phản ánh được hết diễn biến giá cả trên thị trường. Bởi vì, trong thời điểm Tết vừa qua, nhiều mặt hàng thủy hải sản tươi sống, rau xanh tăng đến 30 - 40% so với tháng trước nhưng biến động giá thực phẩm theo công bố của Tổng cục Thống kê chỉ tăng 2,45%.
Bên cạnh nhóm thực phẩm thì nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ khác cũng tăng cụ thể như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,98%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,15%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,45%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%; giáo dục tăng 0,26%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,71%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,8%.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, có 3 nhóm hàng giảm là nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,41%; giao thông giảm 3,96% và bưu chính viễn thông giảm 0,16%. Do đó, mức tăng CPI của tháng Tết chỉ là 0,42%, sau khi tháng 1 giữ nguyên so với tháng 12/2015.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc CPI tháng 2 tăng như vậy là bình thường, phản ánh đúng quy luật là CPI thường tăng vào tháng 1, tháng 2 và giảm vào tháng 3.
CPI sẽ tiếp tục tăng thấp
Ông Vũ Vinh Phú nhận định, trong tháng 3, xu hướng giá hàng hóa sẽ bình thường trở lại, cùng với tác động lan tỏa của việc giảm giá xăng dầu, CPI có thể sẽ tăng thấp hơn hoặc giảm.
Nhận định về giá thực phẩm hiện nay, ông Phú cho rằng hiện ở mức khá cao. “Giá thực phẩm hiện cao ở mức vô lý. Một phần bởi giá vận tải cao nhưng phần lớn do hệ thống phân phối bất hợp lý. Do đó, cần tổ chức lại hệ thống phân phối, sản xuất năng suất cao để hạ giá thành sản phẩm, giúp tăng sức mua”, ông Phú nói.
Dự báo CPI tháng 3, Vụ Thống kê giá cho biết có 2 yếu tố góp phần cho CPI giảm là giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm và giá lương thực thực phẩm cũng có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 2 là tháng Tết nên nhu cầu đi lại tăng cao làm cho giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,45%. Cụ thể, giá vé ô tô khách tăng 6,31% và vé tàu hỏa tăng 7,01%. Một số đơn vị kê khai tăng giá chiều đông khách (trước Tết chiều từ Nam ra Bắc, từ thành phố về nông thôn và sau Tết chiều ngược lại) từ 20- 60% so với giá vé bán ngày thường nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều vắng khách. Trong khi đó giá xăng dầu liên tục giảm mạnh, điều này khiến dư luận bức xúc.
Với sự vào cuộc của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải nhằm thanh tra những đơn vị vận tải cố tình “ghìm” giá cước, sắp tới giá cước vận tải sẽ giảm, tác động giúp CPI tiếp tục ở mức thấp.