Chỉ được đầu tư khoảng 2% ngân sách, đường sắt có bị ‘bỏ quên’?

Đường sắt lâu nay vẫn là phương thức vận tải xương sống của nền kinh tế. Tuy nhiên, mức đầu tư vào lĩnh vực này hiện chỉ đạt khoảng 2% tổng đầu tư ngân sách, đang khiến ngành Đường sắt “tụt hậu”, khó cạnh tranh với các phương thức vận tải khác.

Chật vật kinh doanh

Đa phần hành khách khi được hỏi đều đánh giá chất lượng dịch vụ chung của ngành hiện đã được cải thiện, nhưng ngoài các đợt lễ, Tết, tàu vẫn vắng khách, kéo theo sản lượng vận chuyển liên tục sụt giảm.

Chú thích ảnh
Đường sắt Việt Nam chưa được đầu tư xứng tầm.

Kể từ khi bán vé điện tử năm 2014, hành khách có thể mua vé tàu mọi lúc, mọi nơi, hình thức thanh toán cũng đa dạng. Từ ga tàu, toa tàu đến thái độ phục vụ, ngành Đường sắt đều “lột xác”, nhưng đường sắt vẫn khó hút khách.

Một trưởng tàu khách Thống Nhất chia sẻ, lượng khách đi tàu hàng ngày chỉ có vài khách, còn lại là khách đi chặng ngắn như Ninh Bình, Vinh, Huế… Trên hành trình tàu Thống Nhất, giá vé tàu cao vào dịp lễ, Tết, cộng với thời gian di chuyển mất hơn một ngày… chính là “điểm trừ” với hành khách.Trong khi đó, đường sắt bị đường bộ “hút” khách bởi thời gian di chuyển linh hoạt.

Bên cạnh đó, sản lượng vận tải hàng hóa đường sắt không chỉ suy giảm, mà đang đối mặt nguy cơ mất dần thị phần trước vận tải đường bộ, đường thủy và nhất là hàng không.

Đơn cử , tuyến đường sắt phía Tây đi Lào Cai là tuyến vận tải hàng hóa trọng điểm ở phía Bắc, kết nối hàng hóa từ Lào Cai đi cảng Hải Phòng và hàng liên vận quốc tế Việt - Trung. Tuy nhiên, sản lượng của tuyến trọng điểm này đang bị suy giảm mạnh, nhất là các mặt hàng từ phía Nam ra, xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo thống kê của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, liên tục từ năm 2015 - 2017, các mặt hàng gạo, lương thực, than… sản lượng vận tải năm sau chỉ bằng gần 50% so với năm trước. 9 tháng năm 2018 còn sụt mạnh hơn.

“Chúng tôi rất muốn thuê vận chuyển bằng đường sắt, nhưng hàng đi bằng đường sắt mất nhiều thời gian so với đường bộ. Tính toán kỹ giá thành có khi còn cao hơn thuê chở bằng ô tô”, ông Dương Minh Thiện, Giám đốc doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu hàng ở Lào Cai chia sẻ.

Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, thời gian vận chuyển dài và thiếu kế nối với đường bộ khiến khách hàng không mặn mà. Nếu tính giá vận chuyển đơn thuần (tính cho đơn giá 1 tấn/km), giá cước đường sắt chỉ bằng 60 - 75% giá cước đường bộ. Nhưng nếu tính vận chuyển từ cửa tới cửa lại đội cao hơn hẳn so với đường bộ.

Qua tìm hiểu, việc đầu tư ngân sách hiện nay chủ yếu cho cải thiện hạ tầng đường sắt, nâng cao chất lượng dịch vụ, chưa tập trung vào đầu tư kho bãi, phương tiện xếp dỡ hiện đại, dẫn đến thiếu kết nối đường bộ, cũng là hạn chế không nhỏ.

Đầu tư ngân sách chủ yếu để bảo trì hạ tầng hiện có

Theo GS. TS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, nhiều năm qua chỉ khoảng hơn 2% tổng mức đầu tư ngân sách cho đường sắt, tập trung vào duy tu, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có và công tác đảm bảo an toàn, mà gần như chưa đầu tư xây dựng mới. Vì vậy, đường sắt khó cạnh tranh với đường bộ, hàng không.

Chú thích ảnh
Đường sắt đang cần đầu tư đổi mới đồng bộ.

Ông Phạm Minh Khôi, Trưởng ban Quản lý hạ tầng (VNR) cho biết, hàng năm vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho đường sắt khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó chi đến 1.200 tỷ đồng cho nhân công hệ tuần gác như: Nhân viên gác chắn, tuần đường, tuần hầm, bảo hiểm, quản lý; chi phí vật tư cho bảo trì, duy tu đường ray, thông tin tín hiệu, ghi, nhà ga, đường ngang... tốn khoảng 500 tỷ; chưa kể nhiều công trình sửa chữa lớn, khẩn cấp hay sửa chữa, gia cố đảm bảo an toàn.

“Năm 2016 - 2017 được cấp 2.190 tỷ đồng để bảo trì hạ tầng đường sắt. Số vốn này chỉ đáp ứng được 1/3 yêu cầu, vì với thực trạng hạ tầng đường sắt lạc hậu, đã xây dựng hơn 100 năm như hiện nay, nếu tính đúng, đủ theo định mức kinh tế kỹ thuật, hàng năm cần đến 6.000 tỷ đồng”, ông Khôi cho hay.

GS. TS. Lã Ngọc Khuê chia sẻ, việc mất cân đối tỷ trọng đầu tư cho các phương thức vận tải thời gian qua, trong đó có việc mất an toàn, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và nhất là chi phí logistics cao khiến giá bán hàng hóa cao… Vì vậy, việc điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho đường sắt phải trở thành một cuộc điều chỉnh chiến lược của GTVT, trong đó, đường sắt cần được ưu tiên đầu tư phát triển.

Từ ngày 1/7/2018, Luật Đường sắt sửa đổi có hiệu lực. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Luật ra đời phải khắc phục được những bất cập, hạn chế cho giao thông đường sắt, phải tạo ra bước đột phá mới về chính sách pháp luật để trong 5 - 10 năm tới, đường sắt trở thành loại hình vận tải chủ đạo hoặc một trong những loại hình vận tải chủ đạo. Vì thế, đầu tư cho đường sắt phải thay đổi ngay trong kế hoạch đầu tư trung hạn, chứ không phải chờ 5 năm nữa. Đây là cơ hội rất lớn cho đường sắt phát triển”.

Trong cuộc đối thoại với khách hàng VNR mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, lĩnh vực đường sắt tối quan trọng, như xương sống của nền kinh tế, cần có những thay đổi để đường sắt không bị tụt hậu và hướng tới phát triển. Đầu tư vào lĩnh vực đường sắt, nhất là kết cấu hạ tầng đã trở nên cấp bách, bởi nếu không được đầu tư, đường sắt sẽ không thể cạnh tranh với phương thức vận tải khác.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Rà soát, xóa hàng nghìn đường ngang, lối tự mở qua đường sắt
Rà soát, xóa hàng nghìn đường ngang, lối tự mở qua đường sắt

Chiều 28/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp bàn giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, trong đó có việc xây dựng Đề án xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN