Rà soát, xóa hàng nghìn đường ngang, lối tự mở qua đường sắt

Chiều 28/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp bàn giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, trong đó có việc xây dựng Đề án xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt quốc gia.

Báo cáo dự thảo Đề án, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, trên các tuyến đường sắt quốc gia hiện nay có 4.160 lối đi tự mở và 1.514 đường ngang các loại.

Chú thích ảnh
Vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng xảy ra tại km 106 + 300 thuộc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên (Nam Định) ngày 1/8, làm 4 người thương vong. Ảnh Công Luật/TTXVN

Từ năm 2005 - 2017, số vụ tai nạn xảy ra trên các lối đi tự mở và đường ngang chiếm gần 60% tổng số vụ tai nạn giao thông đường sắt, trong đó tai nạn xảy ra trên lối đi tự mở chiếm trên 42%.

Vì vậy, mục tiêu của Đề án là nhằm rà soát các lối đi tự mở, đường ngang nguy hiểm để đưa ra các biện pháp tổng thể nhằm thu hẹp, tiến tới xóa bỏ lối đi tự mở, vị trí đường sắt chuyên dùng giao với đường sắt quốc gia; cải tạo, nâng cấp đường ngang trên đường sắt quốc gia và xác định lộ trình thực hiện.

Đề án cũng đưa ra 7 nhóm giải pháp, trong đó có các biện pháp như: xây dựng hàng rào, đường gom và các công trình phụ trợ như: đường ngang, cầu vượt, hầm chui để giảm 2.078 lối đi tự mở.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện được các giải pháp này, cần phải có nguồn kinh phí và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, 3 năm gần đây, tai nạn giao thông đường sắt giảm ở cả 3 tiêu chí. Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong 9 tháng qua, tai nạn giao thông đường sắt giảm 18% về số vụ. Tuy nhiên, tai nạn giao thông đường sắt vẫn xảy ra, nhiều vụ nghiêm trọng, tập trung nhiều ở các lối đi tự mở.

“Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn lực để thực hiện các giải pháp. Vì thực tế, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1856 và sau này thay thế bằng Quyết định 994 để lập lại hàng lang an toàn giao thông đường bộ", ông Hoạch nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, việc lập Đề án nhằm đưa ra các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt đến 2020, tiến tới hạn chế, không phát sinh và năm 2025 xóa bỏ lối đi tự mở, kiểm soát các đường ngang.

Tuy nhiên, để Đề án khả thi, cần phải đưa ra giải pháp có định hướng kỹ thuật như: kết hợp làm hàng rào, đường gom, đóng lối đi. Đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể từ xây dựng đến quản lý sau này.

Khẳng định đảm bảo an toàn giao thông đường sắt là trách nhiệm chính của Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Đề án phải được xây dựng có tính khả thi cao, thực sự hiệu quả, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt. Về việc xử lý các lối đi mở và đường ngang để đảm bảo an toàn, Bộ trưởng cho rằng, cần phân loại kĩ để có giải pháp ứng xử phù hợp với từng loại.

Bộ trưởng gợi ý, với các giao cắt đường bộ - đường sắt mà ô tô qua lại nhiều, cần coi đây là đối tượng đặc biệt để có giải pháp đặc biệt vì tai nạn tàu va ô tô thường để lại hậu quả rất nặng nề. Ngoài biển báo giao thông, tại đây cần lắp các thiết bị cảnh báo khác như: đèn tín hiệu, chuông, làm gờ giảm tốc; thậm chí xây dựng mô hình tự quản cảnh giới an toàn.

Tương tự, với giao cắt mà xe gắn máy qua được và lối đi chủ yếu cho người đi bộ lại có các giải pháp phù hợp; trong đó, chú trọng giải pháp làm hàng rào, đường gom; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ; lắp đặt camera giám sát.

Theo Bộ trưởng, cần đưa vào Đề án giải pháp tăng cường thực hiện và xử lý trách nhiệm của các chủ thể liên quan, kể cả cơ quan quản lý Nhà nước; Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt với chính quyền địa phương cấp phường, xã, thôn ấp. “Đây là Đề án nhân đạo, có ý nghĩa xã hội rất lớn. Vì vậy, việc xây dựng Đề án phải khả thi, để khi thực hiện đem lại hiệu quả cao”, Bộ trưởng khẳng định.

Đăng Sơn/Báo Tin tức (TTXVN)
Chạy thử toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Chạy thử toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Sau nhiều năm mong đợi thì hôm nay (20/9), Ban Quản lý Dự án đường sắt, Bộ GTVT đã chính thức chạy thử toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông từ 3 đến 6 tháng. Trong suốt quá trình chạy thử, người dân sẽ không được lên tàu cũng như tiếp cận dự án nhằm đảm bảo an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN