Toàn bộ vị trí mỏ khoáng sản chủ yếu là đất san lấp, đá và cát xây dựng có tổng diện tích khoảng 170ha, thuộc địa bàn thành phố Bảo Lộc và các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà. Theo đó, vị trí mỏ có diện tích lớn nhất tại xã Tân Hội (huyện Đức Trọng) với diện tích gần 20ha, mỏ có diện tích nhỏ nhất tại xã Ninh Gia (Đức Trọng) có diện tích 9ha. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị các địa phương nêu trên tăng cường giải pháp bảo vệ tài nguyên, khoáng sản tại các vị trí mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn, phục vụ cho việc khai thác vật liệu xây dựng, thi công dự án cao tốc.
Trước đó, ngoài các điểm mỏ khai thác khoáng sản hiện hữu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung cục bộ 8 điểm mỏ vào quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản chung của tỉnh và khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm cơ sở để cấp giấy phép, phục vụ xây dựng đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương. Cụ thể, 8 điểm mỏ này thuộc địa bàn huyện Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lâm với tổng diện tích 101,53 ha. Loại khoáng sản chủ yếu là đất san lấp và đá xây dựng, vật liệu cần thiết cho việc thi công đường cao tốc.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, để thi công dự án đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương cần hơn 10 triệu m3 nguyên vật liệu, gồm hơn 8 triệu m3 đất đắp K95 và K98, hơn 1,6 triệu m3 đá các loại và hơn 50 nghìn m3 cát xây dựng. Sau khi đối chiếu giữa công suất các giấy phép của tỉnh cấp hiện có tại địa bàn 4 huyện, thành phố (Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng) và nhu cầu công suất của dự án thì đối với đá xây dựng là đảm bảo, đối với đất san lấp cần bổ sung hơn 2 triệu m3/năm.
Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có tổng chiều dài toàn tuyến 73,64 km chạy qua địa bàn huyện Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc, huyện Di Linh và huyện Đức Trọng. Đây là một trong 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 210 km. Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng có Nghị quyết thông qua phương án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự kiến thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2025.