Chậm giao đất dịch vụ tại Hà Nội: Bài 3 - Quyết tâm và lòng tin

Thành phố Hà Nội có 66.245 hộ dân thuộc tiêu chuẩn giao đất dịch vụ với nhu cầu bố trí quỹ đất khoảng 750 ha. Đến thời điểm này, các địa phương của Hà Nội mới giao được 350ha đất dịch vụ cho trên 35.000 hộ, đạt 49% nhu cầu.

Từ năm 2008, sau nhiều lần “lỗi hẹn” và hiện nay, trước đòi hỏi mạnh mẽ, chính đáng của người dân, chính quyền Hà Nội đang thực hiện nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất dịch vụ.

Lần này, mốc thời gian Hà Nội đưa ra đến 31/12/2017 cơ bản hoàn thành giao đất dịch vụ cho người dân; các trường hợp đặc biệt vướng mắc sẽ tìm cơ chế tháo gỡ xong vào tháng 6/2018. Lòng tin của người dân một lần nữa đặt vào quyết tâm của chính quyền Thủ đô, với hy vọng đảm bảo hài hòa quyền lợi của Nhà nước và người dân.

Công tác thu hồi đất phục vụ cho dự án giao thông Quốc lộ 5 kéo dài. Ảnh: TTXVN

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Để giải quyết dứt điểm việc giao đất dịch vụ cho hộ gia đình cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và các địa phương phải xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017 - năm kỷ cương hành chính.

Là cơ quan được thành phố Hà Nội giao là thường trực trong việc tham mưu, giải quyết nhiều khâu liên quan đến đất dịch vụ, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội xác định đây là việc khó, nhiều bất cập "vắt" qua nhiều giai đoạn lịch sử của 3 tỉnh: Hà Tây, Hà Nội và Vĩnh Phúc.

Đặc biệt, sau khi Hà Nội mở rộng nhiều dự án đã phải tạm dừng, chờ rà soát lại theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phân khu được phê duyệt; nhiều khu đất không còn phù hợp với quy hoạch; một số khu đất đã hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nay bị chồng lấn với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.

Để tồn tại thực trạng trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong khi đó, lãnh đạo nhiều địa phương chưa chủ động tháo gỡ, còn đùn đẩy trách nhiệm cho thành phố, khi thuộc thẩm quyền của mình.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chỉ ra, nhiều địa phương chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt cả hệ thống chính trị, các đoàn thể để thực hiện vận động, tuyên truyền giúp người dân bị thu hồi đất hiểu, đồng thuận với chính sách chung.

Vì vậy, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo theo hướng quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị về việc giải quyết đất dịch vụ cho người dân. Tinh thần này được thể hiện rõ, khi Ủy viên Bộ chính trị - Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải làm việc với các địa phương trong thời gian qua.

Người đứng đầu Thủ đô nêu quan điểm, các địa phương trên toàn địa bàn thành phố, phải tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề đất dịch vụ cho dân, coi đây là nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện. Đặc biệt, các quận, huyện cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thành phố cấp để xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ, cùng với đó phải lấy nguồn từ đấu giá đất để làm hạ tầng các khu đất dịch vụ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện và các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau, phải làm việc cụ thể với doanh nghiệp, người dân để giải quyết dứt điểm từng phần việc, nhóm việc được coi là "điểm nghẽn", "nút thắt" trong quá trình bàn giao, giải quyết đất dịch vụ ở Thủ đô.

Vẫn cần cơ chế đặc thù?


Thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt giải quyết giải quyết đất dịch vụ, đảm bảo công bằng và tránh thiệt thòi cho người dân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo về các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn.

Trên tinh thần này, thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải tập trung khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ; rà soát các trường hợp được giao đất dịch vụ đảm bảo công khai, chính xác, đúng quy định, tránh gây khiếu kiện phức tạp trong nhân dân. Đồng thời, tổ chức giao đất ngay đối với các khu đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cho các trường hợp đủ điều kiện.
 
Cụ thể, đối với 142,88 ha đất hoàn thành xong hạ tầng kỹ thuật, thành phố yêu cầu thực hiện giao ngay đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân, hoàn thành trước 30/8/2017. Đối với với 216,51 ha đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, các quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thiện các thủ tục ứng vốn từ Quỹ phát triển đất thành phố để xây dựng hạ tầng kỹ thuật trước ngày 30/10/2017 và giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân trước 31/12/2017.

Đối với 95,54 ha đất đã có quyết định thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xong trước ngày 30/6/2017; xây dựng hạ tầng kỹ thuật xong trước 30/11/2017 và giao đất cho các hộ theo quy định. Đối với 50,12 ha đất đã có giới thiệu địa điểm khẩn trương hoàn thiện thủ tục về đầu tư, quy hoạch, đất đai và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xong trước ngày 30/11/2017.


Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, được biết: Năm 2017, UBND thành phố đã bố trí vốn thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng đất dịch vụ là 1.000 tỷ đồng.

Đến nay, thành phố đã bố trí ứng cho 34 dự án, tương ứng với 709,3 tỷ đồng; nguồn vốn dự kiến tiếp tục phân bổ cho nhu cầu đất dịch vụ là 290,7 tỷ đồng, cơ bản đảm bảo đủ cho nhu cầu giao đất dịch vụ trên địa bàn.

Thành phố cho phép các quận, huyện, thị xã làm việc với các sở ngành liên quan như: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính tạm thời sử dụng số tiền vượt kế hoạch từ đấu giá quyền sử dụng đất để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ. UBND các quận, huyện có trách nhiệm hoàn trả ngân sách thành phố khi thu tiền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân được giao đất dịch vụ.

Đề cập đến một số vướng mắc cụ thể tại các quận, huyện có quỹ đất dịch vụ lớn như Hà Đông, hiện có khoảng 7.000 trường hợp đã được xét duyệt đủ điều kiện, đã bốc thăm vị trí lô đất, nhưng các hộ chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên chưa đủ điều kiện để giao đất, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho hay, Sở sẽ xem xét báo cáo thành phố và các bộ, ngành tháo gỡ bằng cách cho phép ghi nợ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đối với các trường hợp mua bán chuyển nhượng, không có sự phối hợp của các hộ dân đã bán, gây khó khăn cho việc giao đất dịch vụ, Sở cũng tham mưu với thành phố, báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chính phủ xin cơ chế giải quyết với các trường hợp này.

Cùng với những giải pháp trên, thiết nghĩ UBND các quận, huyện cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, quy định của thành phố về thực hiện giao đất dịch vụ, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện giao đất dịch vụ hoặc cũng cần có cơ chế, để người dân tự nguyện nhận tiền thay bằng giao đất dịch vụ đối với các địa phương thiếu quỹ đất.

Chỉ với sự vào cuộc quyết liệt cùng những giải pháp đồng bộ, những tồn tại, vướng mắc trong công tác giao đất dịch vụ tại Thủ đô mới được giải quyết dứt điểm, đảm bảo công bằng và tránh thiệt thòi cho người dân bị mất đất.

Minh Nghĩa - Mạnh Khánh (TTXVN)
Chậm giao đất dịch vụ tại Hà Nội: Bài 2 - Khó vì đâu?
Chậm giao đất dịch vụ tại Hà Nội: Bài 2 - Khó vì đâu?

Khó khăn trong giải quyết vấn đề đất dịch vụ ở Hà Nội không chỉ xuất phát từ vướng mắc của cơ chế chính sách mà ngay cả phía người dân cũng chưa có sự hợp tác thực hiện các nghĩa vụ của mình trong giao nhận đất dịch vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN