Chậm giao đất dịch vụ tại Hà Nội: Bài 2 - Khó vì đâu?

Khó khăn trong giải quyết vấn đề đất dịch vụ ở Hà Nội không chỉ xuất phát từ vướng mắc của cơ chế chính sách mà ngay cả phía người dân cũng chưa có sự hợp tác thực hiện các nghĩa vụ của mình trong giao nhận đất dịch vụ.

Những nguyên nhân trên dẫn đến bế tắc chồng chất, khiến tiến độ bàn giao đất dịch vụ ở Hà Nội càng chậm, ngay cả khi hạ tầng kỹ thuật các khu đất đã được xây dựng đầy đủ.

Gian nan trả nợ đất dịch vụ cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lòng vòng xác định nguồn gốc đất

Những năm trước đây khi cơn sốt giá đất đang ở cao độ, nhiều người đã chuyển nhượng đất dịch vụ khi chỉ mới có quyết định thu hồi đất (giao dịch bằng tờ giấy viết tay giữa 2 bên), nên khi địa phương thông báo yêu cầu các hộ dân đến làm hồ sơ thì một số chủ hộ không đến, nhưng cũng không báo cho người mua; hoặc người mua cũng không biết người bán ở đâu để hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan, vì theo quy định người đứng tên để được nhận đất dịch vụ vẫn là người dân bị thu hồi đất.

Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Thịnh ở quận Long Biên, đã mua lại suất đất dịch vụ 50 m2 tại huyện Đan Phượng với giá gần cả tỷ bạc từ năm 2010 bằng giấy viết tay, hiện nay huyện đã thông báo cho các gia đình nộp tiền xây dựng hạ tầng nhưng do không phải chính chủ nên xã từ chối giải quyết, trong khi chủ cũ lại tiếp tục bán suất dịch vụ ấy cho một người khác nữa. "Giờ tôi chưa biết phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình", anh Thịnh bức xúc nói.

Có một thực tế khác đó là có nhiều trường hợp, diện tích đất dịch vụ chỉ được hơn mét vuông, phải ghép với những hộ khác để nhận một ô đất dịch vụ nhưng do không có sự đồng thuận nên cũng khiến chính quyền gặp khó khi bàn giao. Ngoài ra, cũng có không ít trường hợp, dù chính quyền đã thông báo bằng loa truyền thanh, trên phương tiện truyền thông nhưng chưa đến làm hồ sơ xét duyệt đất dịch vụ.

Thực trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi tại quận Hà Đông. Tại phường Dương Nội, có tới 1.396 trường hợp chưa nộp tiền, tương ứng với 861 lô đất; 510 trường hợp chưa hợp tác kê khai hồ sơ, ghép lô; 48 trường hợp chưa bốc thăm.

Phường Yên Nghĩa có 664 trường hợp chưa nộp tiền hạ tầng, gần 250 trường hợp chống đối không kê khai và hoàn thiện hồ sơ ghép lô; còn phường Đồng Mai 2.710 trường hợp không nộp tiền, 681 trường hợp chưa ghép lô do không hợp tác làm hồ sơ. Qua đây cho thấy, vấn đề giao đất dịch vụ không chỉ vướng ở cơ chế chính sách mà ngay cả nhận thức của người dân cũng chưa đầy đủ về đất dịch vụ.

Lãng phí nguồn lực

Hà Đông là quận có số hộ dân được nhận đất dịch vụ lớn nhất thành phố với hơn 27.139 trường hợp, tương ứng 19.865 thửa đất (chiếm hơn 30% tổng nhu cầu của cả thành phố).

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng thông tin, đến nay, quận đã cơ bản thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ với khoảng 218,67ha (đạt 94,4%), còn lại 18,906ha đang tiếp tục giải phóng mặt bằng.

Theo đó, quận đã xét duyệt được 25.514 trường hợp, tương ứng 17.888 thửa đất (đạt 94% nhu cầu). Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 4/2017, quận mới hoàn thành giao đất dịch vụ cho 16.956 trường hợp với diện tích 64,19ha (đạt 62%). Hiện vẫn còn tồn 2.942 trường hợp chưa bốc thăm, 5.462 trường hợp chưa nộp tiền xây dựng hạ tầng, khoảng 2.000 trường hợp chưa làm hồ sơ xét duyệt tiêu chuẩn, 1.467 trường hợp chưa ghép lô.

Để khuyến khích cũng như tạo điều kiện cho người dân sớm nhận đất dịch vụ để ổn định sinh kế, quận đã dành một nguồn lực tương đối lớn để hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng ở các khu đất dịch vụ, đảm bảo tương đương đô thị loại 1, bao gồm: đường giao thông, điện, nước, chiếu sáng, trường mần non, nhà văn hóa…

Tính bình quân mỗi m2 đất dịch vụ quận đã đầu tư khoảng 5 triệu đồng để xây dựng hạ tầng, nhưng quận chỉ thu của người dân 1 phần kinh phí với khoảng 2 triệu đồng/m2. Với hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng cho các khu đất dịch vụ, khiến ngân sách kiệt quệ nhưng lại không phát huy giá trị sử dụng, dẫn đến nguồn lực đầu tư ở Hà Đông bị lãng phí.

"Nếu người dân đến nộp tiền hạ tầng và nhận đất dịch vụ ngay sau khi đầu tư, sẽ giúp địa phương có nguồn kinh phí để tái đầu tư cho các lĩnh vực xã hội khác, đặc biệt là hệ thống trường học do dân cư tăng mạnh, đằng này tiền cứ chôn trong đất", ông Vũ Ngọc Phụng cho biết.

Ghi nhận thực tế tại các khu đất dịch vụ của phường Dương Nội, Yên Nghĩa… mới chỉ có lác đác một vài hộ xây dựng và dọn đến định cư. Còn lại vẫn chỉ là những bãi đất trống đầy cỏ mọc để chăn thả châu bò của những thợ ba toa. Trong khi đó, giá đất ở Hà Đông đang nóng lên từng ngày với thông tin dự án trung tâm thương mại lớn của Nhật Bản đầu tư vào địa bàn.

Tại dự án đất dịch vụ xã Di Trạch, Vân Canh, La Phù, An Khánh, Lại Yên (huyện Hoài Đức) cũng là bãi đất trống, chưa bàn giao được cho người dân cho dù hạ tầng đã được đầu tư.

Trái ngược với Hà Đông, người dân Hoài Đức bị mất đất sau khi nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng đã đã đóng tiền để xây dựng hạ tầng, với hi vọng là nhanh chóng có chỗ kinh doanh buôn bán sau ruộng đất bị thu hồi. Nhưng đằng đẵng gần chục năm nay, đất dịch vụ chưa được giao, tiền nộp xây dựng hạ tầng nhiều gia đình phải đi vay mượn, đời sống khó khăn.

Cụ thể, tại dự án đất dịch vụ xã An Khánh đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, đã tổ chức xét duyệt các hộ đủ điều kiện giao đất dịch vụ đạt khoảng 80 - 90%, nhưng huyện vẫn chưa tổ chức giao đất dịch vụ với lý do chờ hoàn thành 100% công tác xét duyệt.


Đối với d ự án đất dịch vụ xã Di Trạch (19,9 ha), việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 90%, chỉ còn 05 hộ dân không đồng ý với chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nên chưa tổ chức giao đất dịch vụ cho các hộ.

Dự án Cụm công nghiệp An Ninh và dự án Cụm công nghiệp An Khánh (1.019 hộ) có quyết định thu hồi đất trước thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2006/NĐ - CP, huyện đề nghị cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất được hưởng chính sách giao đất dịch vụ.

Vướng mắc nữa trên địa bàn huyện Hoài Đức là có 1.308 hộ đã tách hộ khẩu, nhưng chưa thực hiện thủ tục chia tách phần diện tích đất nông nghiệp được giao , nên huyện cũng đang kiến nghị được hưởng theo đúng tỷ lệ % đất dịch vụ quy định.

Ông Nguyễn Quang Đức, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức thừa nhận, chậm bàn giao đất dịch vụ dẫn tới hạn chế phát huy hiệu quả, sinh lời từ đất. Chính quyền huyện đã tìm nhiều cách tháo gỡ, bàn giao đất dịch cho người dân, tuy nhiên kết quả cũng chưa được như mong muốn.

Nguyên nhân là do vướng cơ chế chính sách, cũng như sau khi sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, cấp chính quyền phải cập nhật, bổ sung quy hoạch sử dụng đất nên dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao đất dịch vụ của huyện.

Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các xã, phòng chức năng phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất dịch vụ, nhằm hạn chế sự lãng phí nguồn lực đầu tư cho xây dựng hạ tầng tại các khu đất dịch vụ của địa phương.

Qua khảo sát tại một số địa phương, ngoài việc khó khăn nội tại từ cơ chế chính sách, sự chưa đồng thuận của người dân hay việc phải tạm dừng, điều chỉnh lại quy hoạch theo Quy hoạch chung của thành phố Hà Nội thì việc thiếu nguồn lực để đầu tư hạ tầng cũng đã là một lực cản khiến cho việc giao đất dịch vụ ở Hà Nội diễn ra chậm chạp.

Một chuyên gia về lĩnh vực đất đai cho hay, nếu cứ kéo dài thời gian giao đất dịch vụ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất dịch vụ là một đòi hỏi từ thực tế mà thành phố Hà Nội phải quyết liệt tháo gỡ, không để "lỗi hẹn" người dân thêm lần nữa.

Minh Nghĩa - Mạnh Khánh (TTXVN)
Chậm giao đất dịch vụ tại Hà Nội: Bài 1 – Hệ lụy tiềm ẩn
Chậm giao đất dịch vụ tại Hà Nội: Bài 1 – Hệ lụy tiềm ẩn

Do nhiều nguyên nhân nên tình trạng giao đất dịch vụ ở thành phố Hà Nội diễn ra rất chậm, kéo dài khiến nhiều người dân gặp không ít khó khăn, phát sinh hệ lụy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN