Tại Hội nghị chuyên đề “Tham tán thương mại với công tác XTTM” được tổ chức hôm qua (19/12) tại Hà Nội, phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương về tình trạng cắt giảm kinh phí XTTM.
Thưa ông, việc cắt giảm kinh phí XTTM sẽ có ảnh hưởng ra sao đến hoạt động XK trong thời gian tới?
Trong những năm trước đây, công tác XTTM và công tác thị trường ngoài nước đã đóng góp rất lớn cho tăng trưởng XK. Năm 2011, XK dự kiến sẽ đạt xấp xỉ 96 tỷ USD, tăng trưởng 33%, cao hơn gấp 3 lần chỉ tiêu do Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, công tác XTTM chưa bao giờ khó khăn như bây giờ. Kinh phí XTTM cho XK cần rất lớn. Trong năm 2011 còn phải tập trung vào thị trường trong nước, công tác hỗ trợ cho thương mại miền núi, hải đảo nhưng kinh phí được Bộ Tài chính cấp chỉ bằng 1/3 so với năm 2010, tổng kinh phí chỉ có 55 tỉ đồng, chỉ bằng 1/30 các nước chi cho xúc tiến thương mại, đây là một mức rất tiết kiệm.
Có rất nhiều ý kiến từ DN, hiệp hội ngành hàng muốn hỗ trợ trực tiếp cho DN XK theo hình thức XK được bao nhiêu hỗ trợ theo tỷ lệ nhất định, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đóng góp cho an sinh xã hội. Nhưng hiện nay, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên không thể hỗ trợ XK trực tiếp cho DN mà chỉ có thể hỗ trợ thông qua XTTM.
Hơn nữa, công tác XTTM là “mưa dầm thấm lâu”, có khi “trồng cây 3 - 4 năm mới ra hoa kết trái”. Cho nên, việc cắt giảm kinh phí XTTM chưa ảnh hưởng ngay đến XK hiện nay nhưng có thể ảnh hưởng đến XK trong nhiều năm sau.
Để mở rộng thị trường XK, theo ông, phải triển khai công tác XTTM tại thị trường ngoài nước theo hướng nào?
Trong năm 2012 và những năm tới, theo tôi, Cục XTTM và các hiệp hội ngành hàng phải đề xuất cơ chế, sáng kiến để tăng thêm kinh phí XTTM cũng như nâng cao hiệu quả của XTTM.
Những năm qua, hoạt động XTTM được làm thiếu hệ thống, dẫn tới mặc dù thành tích XK rất cao nhưng lại rất khó chứng minh và lượng hóa được hiệu quả của XTTM đối với tăng trưởng XK. Do đó, tôi đề nghị Cục XTTM phối hợp với hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp cần có giải pháp theo dõi, đánh giá hiệu quả của XTTM với tăng trưởng XK.
Hiện nay, có nhiều ý kiến đề xuất thành lập các văn phòng XTTM tại các quốc gia. Ngoài văn phòng ở Niu Oóc (Mỹ), trong năm 2012, Bộ Công Thương đang dự định mở văn phòng XTTM tại Trùng Khánh (Trung Quốc). Nhưng theo tôi, việc mở các văn phòng XTTM không nhất thiết là ở địa bàn có đại diện tham tán hay không. Quan trọng là các văn phòng này phát huy tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh XK, giải quyết khó khăn cho DN.
Nam Hoàng (thực hiện)