Xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng mạnh trong những năm qua, riêng năm 2011 có thể đạt mức 96 tỷ USD. Nhưng, kinh phí xúc tiến thương mại (XTTM) lại không tăng tương ứng. Điều này khiến các doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng và Bộ Công Thương lo ngại sẽ có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu (XK) trong thời gian tới.
Khó tăng XK nếu giảm kinh phí xúc tiến thương mại
Năm 2011, Bộ Công Thương đã tiếp nhận 272 đề án XTTM quốc gia của 72 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ là 405,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chương trình XTTM quốc gia năm 2011 chỉ được Bộ Tài chính bố trí kinh phí là 55 tỷ đồng, bằng 31,97% so với năm 2009 (172 tỷ đồng) và bằng 45,83% năm 2010 (120 tỷ đồng).
Sản xuất bàn ghế xuất khẩu tại Công ty TNHH Hoàn Vũ (Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Long-TTXVN |
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nguồn kinh phí trên là quá nhỏ so với nhu cầu XTTM thực tế năm 2011 của các đơn vị chủ trì. Do đó, Bộ Công Thương gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu thúc đẩy XK, mở rộng và khai thác thị trường trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo.
Do bị cắt giảm kinh phí, hiện nay, nguồn ngân sách dành cho các hoạt động XTTM của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể: Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình, các quốc gia trên thế giới bố trí ngân sách cho hoạt động XTTM là 0,11% kim ngạch XK. Trong khi đó, ngân sách Chương trình XTTMQG của Việt Nam năm 2011 là 55 tỷ đồng, chỉ bằng 0,0036% kim ngạch XK, chỉ bằng 1/30 tỷ lệ trung bình của toàn thế giới và bằng 13,6% nhu cầu hỗ trợ do DN đề xuất. “Điều này cho thấy đầu tư cho XTTM của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của DN và thiếu tính cạnh tranh so với các quốc gia khác”, ông Hải nhận xét.
Bất cập lớn là trong khi ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động XTTM có xu hướng giảm dần thì nhu cầu của cộng đồng DN ngày càng lớn. Đồng thời, nhiệm vụ Nhà nước giao lại nặng nề hơn, không chỉ bao gồm XTTM định hướng xuất khẩu mà còn bao gồm XTTM thị trường trong nước và XTTM biên giới hải đảo. Do tổng kinh phí rất hạn hẹp, phạm vi XTTM rộng, nên nếu muốn giữ sự hài hòa trong việc phân bổ kinh phí thì sẽ khó tránh khỏi tình trạng xé lẻ, manh mún. “Thực tế đã có rất nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội nhưng do không có kinh phí nên không được đưa vào phê duyệt thực hiện”, ông Hải cho hay.
Doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất tăng kinh phí xúc tiến thương mại
Ngành cà phê năm nay đạt kim ngạch XK cao nhất cả về sản lượng và kim ngạch. Nhưng, ngành này vẫn đang trong tình trạng xuất thô là chủ yếu. Để có thể nâng kim ngạch xuất khẩu lên vài tỷ USD thì ngành cà phê phải đẩy mạnh XK hàng đã qua chế biến. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nếu xuất khẩu thô thì thuế bằng 0% nhưng nếu xuất khẩu cà phê hòa tan thì các nước nhập khẩu lại áp thuế cao để bảo hộ chế biến thị trường ở thị trường trong nước. Thực tế này khiến ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam đề xuất các tham tán thương mại cần có tư vấn về mức thuế áp dụng với ngành cà phê để giúp cho các hiệp hội và cơ quan quản lý có thể đàm phán mức thuế phù hợp hơn với ngành cà phê. Hơn nữa, Việt Nam vẫn xuất khẩu cà phê qua trung gian nên có tình trạng “lợi nhuận ít thì không lớn được”. Nên “ngành cà phê rất cần tham tán hỗ trợ tìm nguồn bán trực tiếp để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho ngành cà phê”, ông Tự đề xuất.
Ông Đỗ Như Đính, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Việt Nam đề xuất việc thành lập Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam ở nước ngoài. Bởi vì, “thương vụ chỉ có 2-3 người mà phải làm rất nhiều việc, nên không thể giải quyết từng vụ việc được, không thể hiểu hết về các nước. Nên đừng yêu cầu quá lớn và kỳ vọng quá lớn vào các tham tán. Nên sớm hình thành các Trung tâm giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ở các thị trường trọng điểm. Các tham tán chỉ tập trung nghiên cứu và đề xuất các chính sách xuất nhập khẩu. Còn việc hỗ trợ DN sẽ do các Trung tâm XTTM thực hiện”.
Ông Lê Quang Đạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, kim ngạch XK dệt may năm nay có thể đạt 13 tỷ USD, tăng trên 30%. Tăng trưởng XK phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quan trọng là mở rộng thị trường... Các tham tán thương mại đã tham gia đàm phán mở cửa thị trường cho hàng dệt may, tìm kiếm cơ hội thị trường cho dệt may Việt Nam, hỗ trợ DN dệt may tham gia các hội chợ, triểm lãm ở nước ngoài. Nhưng, việc cắt giảm kinh phí XTTM khiến ông Đạo lo lắng, kết quả XK của ngành này trong những năm tới sẽ bị ảnh hưởng.
Đổi mới công tác xúc tiến thương mại
Là những người đang đảm nhận công tác XTTM tại thị trường ngoài nước, các tham tán thương mại Việt Nam tham dự Hội nghị chuyên đề “Tham tán thương mại với công tác XTTM” được tổ chức hôm qua (19/12) tại Hà Nội, đã đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác XTTM.
Tham tán thương mại tại Hà Lan Đào Huy Giám đề xuất: “Các DN Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, nguồn lực nhỏ nên rất cần hỗ trợ XTTM. XTTM hiện nay mới ở giai đoạn bắt đầu, tức là giai đoạn nâng cao nhận thức về công tác này. Thời gian tới cần chuyên sâu, nâng cao chất lượng hoạt động này hơn nữa”.
Ông Giám cũng cho rằng, không nên coi XTTM chỉ là để bán sản phẩm, XK: “Thương mại theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bao gồm cả dịch vụ, đầu tư. Do đó, XTTM cũng phải được hiểu theo nghĩa rộng là xúc tiến kinh tế thương mại. Ví dụ ở Hà Lan, nếu đi xúc tiến để bán hàng Việt Nam thì khó nhưng nếu xây dựng chương trình XTTM bao gồm cả thu hút đầu tư, tìm hiểu thị trường... thì sẽ dễ có được kinh phí tài trợ hơn”.
Ông An Thế Dũng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh nhấn mạnh, thế giới đã liên tục thay đổi thì XTTM cũng phải có nhiều điểm mới. “Thời gian qua, công tác XTTM của các tham tán đã làm tốt công tác tư vấn hỗ trợ nhưng chưa làm tốt công tác tìm kiếm thị trường, đối tác do DN. Tức là XTTM mới tạo ra lực đẩy mà chưa tạo ra lực kéo để hoạt động đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Các tham tán thương mại cũng phải tham gia phát hiện và xử lý các rào cản ở trong nước và ngoài nước, liên kết với các tổ chức XTTM toàn cầu để nâng cao hiệu quả của công tác XTTM...”.
Thu Hường