Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp thường kỳ tháng 6/2020 của UBND tỉnh Hải Dương diễn ra ngày 18/6.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hải Dương thông tin, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương trong 6 tháng đầu năm đạt thấp. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm của tỉnh Hải Dương cho thấy, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá năm 2010) chỉ đạt chỉ đạt 2,86%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch (tăng từ 8,5% trở lên). Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 7.200 tỷ đồng, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 6.118 tỷ đồng, bằng 44,8% kế hoạch, giảm 19,3% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt thấp so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến hết tháng 5/2020, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 201,7 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm 11,4% so với cùng kỳ trong khi số doanh nghiệp đăng ký giải thể tăng 21,3%.
Dịch bệnh đã khiến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời gian cách ly xã hội. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thiếu nguyên vật liệu, thiếu chuyên gia, không có đơn hàng, phải sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất. Các lĩnh vực tăng trưởng giảm như: ô tô giảm 63%, may mặc giảm 6%, xi măng giảm 4,6%, sắt thép hợp kim giảm 7,3%. Trong tháng 5 và tháng 6, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ của tỉnh có chiều hướng khởi sắc. Tuy nhiên, theo nhận định, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm của cả nước và của tỉnh.
Trước tình hình đó, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 ở mức cao nhất, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Hải Dương xác định là thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với những ngành ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19. Thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp như chính sách vay vốn, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chỉ đạo, đôn đốc các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân thực tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung xúc tiến thương mại các nhóm hàng chế biến nông sản thực phẩm và sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề, quan tâm phát triển thị trường tiêu thụ trong nước.
Trong bối cảnh hoạt động thương mại còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hải Dương cũng sẽ thường xuyên cập nhật thông tin thị trường Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…; nắm sát nhu cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin và dự báo giá cả hàng hóa để giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh nắm bắt nhanh diễn biến thị trường, từ đó điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp.
Cùng với đó, tỉnh đôn đốc đẩy nhanh hoàn thành quy hoạch, đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đề nghị thủ trưởng các ngành, địa phương tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho báo cáo gửi về Sở Kế hoạch - Đầu tư để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo trình Hội đồng nhân dân tỉnh trong kỳ họp tới. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương lưu ý cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét việc có cần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 cho phù hợp hay không để đề xuất; có đánh giá sâu hơn về dịch COVID-19 và những tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để có giải pháp hiệu quả thúc đẩy kinh tế phát triển.