Chậm tiến độ do thời tiết bất lợi
Dự án cao tốc đường bộ Vân Đồn - Móng Cái được khởi công từ tháng 4/20219, tổng chiều dài trên 80 km, với tổng vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng, được chia thành hai đoạn: Vân Đồn - Tiên Yên (dài hơn 16 km), do ngân sách tỉnh Quảng Ninh đầu tư trên 3.650 tỷ đồng; đoạn Tiên Yên - Móng Cái, dài trên 63 km, được đầu tư theo hình thức BOT, tổng mức trên 9.100 tỷ đồng, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển hạ tầng Vân Đồn (Quảng Ninh) làm chủ đầu tư.
Theo dự kiến dự án sẽ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng tạm thời từ ngày 1/8/2022. Tuy nhiên, đến ngày 29/7, dự án vẫn còn một số hạng mục dở dang, không thể cán đích như kế hoạch do nhiều nguyên nhân.
Ông Vũ Hải Long, Phòng Điều hành dự án 1, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến nay phần việc đã cơ bản hoàn thành, các nhà thầu đang tập trung thi công hệ thống an toàn giao thông, gia cố mái taluy, tuy nhiên gặp những bất lợi về thời tiết. Sau thời gian mưa, chủ đầu tư đã đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực để hoàn thành tuyến. Ông Long cho biết thêm, trên tuyến có phát sinh một số hạng mục, như tôn hộ lan, gia cố mái taluy ở một số điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở nên đang phải tranh thủ thời tiết nắng ráo để thi công.
Ông Đinh Danh Tuyến, Ban quản lý dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển hạ tầng Vân Đồn (dự án BOT) thông tin, trong thời gian qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt các huyện miền Đông mưa nhiều, có tháng mưa liên tiếp trên 20 ngày, ảnh hưởng lớn đến thi công đào đắp đất nền đường, hoàn thiện phần móng cấp phối đá dăm làn dừng khẩn cấp và thi công thảm nhựa mặt đường.
Bên cạnh đó là ảnh hưởng của dịch COVID-19, phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly. Nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế việc huy động, bổ sung nhân lực, máy móc từ tỉnh ngoài vào. Ngoài ra, một số loại vật tư, vật liệu nhập ngoại khan hiếm, nguồn cung cấp bị gián đoạn dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến việc đẩy nhanh tiến độ thi công. Cùng với đó, trong giai đoạn thi công nước rút, giá các loại vật liệu xây dựng bị đội giá từ 30% và phát sinh, điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện ở một số hạng mục theo yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu nhà nước và Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải).
Chạy “nước rút” hoàn thành trong quý III
Hiện nay, đoạn Tiên Yên - Móng Cái đã hoàn thành trên 95% khối lượng công việc; 25/25 cầu đã thi công xong toàn bộ bê tông bản mặt cầu và lan can, dải phân cách, hiện đang hoàn thiện 95% khối lượng khe co giãn và thi công bê tông nhựa tạo nhám mặt cầu. Phần đường gồm bê tông nhựa Polime và bê tông nhựa C19 làn dừng khẩn cấp đã cơ bản hoàn thành, hiện nay các nhà thầu đang tập trung thi công đại trà lớp bê tông nhựa tạo nhám (Novachip) đạt khoảng 36%; hệ thống an toàn giao thông, các biển báo, sơn kẻ đường….
Phía nhà thầu phấn đấu đến 31/8 sẽ hoàn thành khối lượng xây lắp và đến 30/9 sẽ hoàn thành các thủ tục đưa vào khai thác.
Đối với đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài trên 16 km đã cơ bản hoàn thành. Hiện nay còn một số khối lượng nhỏ ở hạng mục thảm tạo nhám, rãnh hình thang gia cố, hộ đạo, taluy âm, dương, hệ thống an toàn giao thông, lắp đặt tấm sóng, hàng rào bảo vệ, tấm chống chói phát sinh...
Anh Ninh Thế Thương, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty Cổ phần Lizen Sài Gòn đang thi công đoạn Vân Đồn - Tiên Yên chia sẻ, đơn vị đã thi công xong thảm bê tông nhựa, sơn kẻ vạch đường và đinh phản quang, phấn đấu hoàn thành hạng mục biển báo an toàn giao thông vào 31/7.
Ngoài phần việc trong hợp đồng theo tiến độ, hiện nay đơn vị đang thi công hạng mục phát sinh là phun gia cố mái taluy dương đoạn km 83. Để đảm bảo tiến độ, đưa công trình vận hành trong quý III, đơn vị đang tập trung hơn 40 công nhân, thi công 3 ca/ngày, đến 15/8 sẽ hoàn thành.
Để sớm đưa công trình vào khai thác, các nhà thầu đã phát động đợt thi đua cao điểm 30 ngày đêm hoàn thành dự án đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái; yêu cầu tất cả cán bộ kỹ thuật, chỉ huy hiện trường phải bám sát công trường, tổ chức thi công 3 ca liên tục và có chế độ thưởng, phạt với từng đơn vị nhà thầu...
Các chủ đầu tư cũng có ý kiến cho rằng, việc dự án chưa đưa vào khai thác, tại các lối vào tuyến đã có hàng rào chắn và biển cảnh báo, nhưng có nhiều phương tiện của người dân cố tình đi vào tuyến đường đang thi công, nguy hiểm hơn có nhiều đoạn người dân còn đi ngược chiều, khiến các đơn vị thi công gặp khó khăn, mặt khác nguy cơ mất an toàn giao thông cao.
Các nhà thầu cũng kiến nghị địa phương và các lực lượng chức năng có biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, để công trường thi công an toàn, hiệu quả, cán đích đưa vào khai thác trong quý III/2022.