Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư) cho biết, dự án có chiều dài lên đến gần 90 km kết nối tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Bình Đình. Các nhà thầu đã triển khai thi công đồng loạt ở cả 3 gói thầu với 39 mũi thi công, 2.957 nhân sự (gồm 580 kỹ sư, 2.377 công nhân, lái máy) và 1.067 đầu máy móc thiết bị, tập trung tại các hạng mục "đường găng" như hầm số 1, số 2 và số 3, cầu sông Vệ, cầu tỉnh lộ 624, các nút giao… và một số đoạn tuyến cần xử lý đất yếu.
Sau 9 tháng thi công, hiện khối lượng một số đoạn tuyến đã đạt 10 - 15%, riêng phần cầu vượt xa tiến độ đề ra. Về phần hầm do khởi công sau (chờ hoàn thiện thủ tục phê duyệt về phòng cháy chữa cháy) nên tiến độ đang thấp hơn so với các hạng mục khác. Về kế hoạch giải ngân vốn năm 2023, tính đến ngày 6/10/2023, toàn dự án đã giải ngân được hơn 4.891 đạt 68,71% kế hoạch
Về mặt bằng, đến nay trên tuyến, tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định đã bàn giao cho chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 2 để bàn giao cho nhà thầu thi công 80,34 km, đạt 91,29%, tuy nhiên mặt bằng thực tế nhà thầu có thể tiếp cận thi công được là 70,88 km, đạt 80,55%.
Nguyên nhân chậm và vướng mắc về mặt bằng theo chủ đầu tư là do các hộ dân thuộc diện tái định cư chưa di dời bàn giao mặt bằng; một số người dân chưa nhận tiền đền bù do chưa thống nhất phương án đền bù; một số đoạn tuyến người dân chưa tận thu cây cối, hoa màu; một số đoạn xôi đỗ hoặc không có đường tiếp cận; việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật còn chậm (đặc biệt là đường điện cao thế...). Trong các đoạn đã bàn giao giải phóng mặt bằng còn nhiều vị trí vướng mắc, mặt bằng bàn giao không liên tục và nhỏ lẻ dẫn tới gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thi công đồng bộ.
Ngoài ra, diện tích đất rừng, diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng tại dự án lớn hơn diện tích được chuyển mục đích sử dụng theo tính toán ban đầu nên việc chuyển đổi còn bị chậm. Hiện chủ đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng và đã gửi đến Cục Kiểm Lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Đại diện Ban Quản lý dự án 2 cho hay, hiện nay trong Quảng Ngãi, Bình Định bắt đầu vào mùa mưa, vì vậy để đảm bảo tiến độ thi công dự án, nhà thầu thi công đã và đang triển khai giải pháp thi công phù hợp, thích ứng trong điều kiện mưa bão. Đồng thời, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các phương án ứng phó hiệu quả tình huống khẩn cấp khi mưa bão về.
Đại diện liên danh nhà thầu, đứng đầu là Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đã linh hoạt thay đổi phương án thi công. Theo đó, tạm thời dừng việc đắp đất một số đoạn, tuyến khi có mưa lớn, không đảm bảo điều kiện thi công. Toàn bộ nhân công được tăng cường cho việc xây lắp các hạng mục cống, cầu, hầm.
Ông Nguyễn Quang Huy, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đơn vị có dự lường những phức tạp của mưa lũ miền Trung và đã chỉ đạo từng nhà thầu phải xây dựng phương án ứng phó thích hợp.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN trên công trường những ngày này, việc thi công dự án đang được liên danh các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Máy móc thiết bị, nhân vật lực được huy động tối đa đến chân công trường, từng bước tạo nên hình hài mới của tuyến đường.
Tại gói thầu XL01 đi qua xã Hành Minh (huyện Nghĩa Hành) do nhà thầu phụ (Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên) thi công những ngày qua đã được điều động tăng cường hơn 100 công nhânthi công 2 cống hộp có quy mô 3 cửa nằm trên tuyến. Đại diện nhà thầu chobieets đang phấn đấu đến cuối tháng 10 này sẽ hoàn thành 2 cống lớn này để đảm bảo thông dòng, thoát lũ.
Đối với hạng mục thi công cầu Sông Vệ (thuộc gói XL01), cầu lớn nhất trên tuyến, ông Nguyễn Vũ Khoa (Tập đoàn Đèo Cả) chỉ hủy hạng mục này thông tin, nhà thầu bố trí 3 mũi thi công ở hai bên đầu cầu và khu vực giữa sông. Hiện 7/15 trụ đã đổ xong xà mũ, 3 trụ chính đã đổ bê tông bệ thân. Theo kế hoạch vào ngày 15 - 20 tháng này sẽ lao lắp dầm. Hiện hạng mục này vẫn vướng mặt bằng tại đường tiếp cận theo hướng Bắc vào Nam.
Tại gói thầu XL02 đoạn qua thị xã Đức Phổ, Tập đoàn Đèo Cả đang tập trung nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công hầm số 1 và số 2. Trên mỗi công trình hầm, Tập đoàn Đèo Cả huy động hơn 200 kỹ sư thi công 24/24 giờ. Trong đó, hầm số 1; phía bắc: hầm phải đã đào được 176,7md, hầm trái đã đào được 43,5md; phía nam hầm: hầm phải đã đào được 24,5md, hầm trái đã đào được 5,5md. Theo ông Nguyễn Duy Sang, Trưởng ban chỉ huy hầm số 1, với việc thi công 3 ca liên tục 24/24h, dự kiến tháng 3/2024 sẽ thông hầm số 1.
Trong khi đó, hạng mục hầm số 2, phía bắc: hầm phải đã đào được 173md, hầm trái đã đào được 288md; phía nam: hầm phải đã đào được 160md, hầm trái đã đào được 213md. Tổng chiều dài khoan: hầm phải là 333md/698md, hầm trái là 501md/698md. Với tiến độ đang đào khoảng 4 - 6m mỗi mũi/ngày, Tập đoàn Đèo Cả đặt mục tiêu thông hầm số 2 vào cuối tháng 12/2023 (vượt tiến độ 4 tháng so với kế hoạch).
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, việc đẩy nhanh tiến độ thi công hầm số 2 (gói XL02) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiến độ của toàn dự án; tạo đà cho các mũi thi công khác tăng tốc sản lượng, đưa dự án về đích đúng tiến độ. Bởi vì, hầm số 2 được chọn làm đường công vụ, để rút ngắn cự ly vận chuyển điều phối vật liệu từ phía nam sang phía bắc. Đồng thời, vật liệu đá từ thi công hầm sẽ tận dụng để thi công đắp nền đường, sản xuất bê tông xi măng và bê tông nhựa cho toàn dự án.
Tại gói XL03, đảm nhận thi công phần đường, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chỉ huy trưởng Công ty cổ phần Trường Long cho biết, toàn bộ gói thầu có 26 km đường, trong số này đơn vị đảm nhận thi công 9,47 km. Nhà thầu đang huy động gần 70 đầu máy, thiết bị với 220 kỹ sư, công nhân, lái máy chia làm 4 mũi thi công. Nhà thầu đang cố gắng tranh thủ từng ngày để hoàn thành các hạng mục phần dưới, qua đó có thể chủ động thi công được phần trên khi mùa mưa về.
Riêng hạng mục hầm số 3 dài 3.200m, lớn nhất dự án và cũng là hầm lớn nhất trong số 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Hầm số 3 tiếp giáp tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định (thuộc gói thầu XL03) hiện cũng được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Đại diện nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả thông tin, hầm số 3 này sau khi hoàn thành sẽ là hầm xuyên núi dài thứ 3 cả nước, sau hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có điểm đầu kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại Km127+720 (thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa) và điểm cuối giao cắt với Tỉnh lộ 629, thuộc phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Dự án đi qua các Huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Thị xã Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi và thị xã Hoài Nhơn (Bình Định).
Dự án cao tốc này nằm trên 2 địa phương; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3 km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7 km. Giai đoạn 1, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có quy mô 4 làn xe, vận tốc 80 km/h.