Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn được khởi động lại nhờ nguồn vốn của Vietinbank

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, việc có được nguồn vốn tín dụng là dấu mốc hết sức quan trọng đối với dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) và Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã chính thức ký hợp đồng tín dụng trị giá 10.169 tỷ đồng cho dự án đầu tư xây dựng công trình cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km 108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500 theo hình thức hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao).

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đánh giá, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là dự án có nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực vận tải hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương mà dự án đi qua cũng như cả khu vực kinh tế phía Bắc nói chung.

Xe máy công trình của các đơn vị thi công tại lễ động thổ ngày 5/7/2015. Ảnh: TTXVN phát

“Đây là dự án BOT có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn lên đến 12.000 tỷ đồng, đòi hỏi phải có nguồn vốn tín dụng dồi dào. Tuy nhiên, thời gian qua, do chính sách thắt chặt nguồn vốn cho vay dài hạn của các ngân hàng, cùng với năng lực của nhà đầu tư cũ yếu đã làm công tác huy động vốn tín dụng cho dự án gặp rất nhiều khó khăn”, Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng cũng thông tin “Bộ Giao thông Vận tải đã kêu gọi Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (một nhà đầu tư rất lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông) mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư UDIC - đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư cũ để dự án vừa có nhà đầu tư mới đáp ứng năng lực tài chính, vừa đảm bảo tuân thủ các quy định, thủ tục pháp lý”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, việc thông nguồn vốn tín dụng là dấu mốc hết sức quan trọng đối với dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Trên cơ sở đó, để dự án đảm bảo hiệu quả, Thứ trưởng Trường yêu cầu trong quá trình triển khai nhà đầu tư dự án phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật ngay từ đầu để tránh sai sót giống như một số dự án BOT gặp phải trong thời gian qua.

“Nhà đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn để hoàn thiện nhanh công tác chi trả đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư. Chậm nhất trong năm 2017, công tác giải phóng mặt bằng của dự án phải hoàn thành toàn bộ để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2019”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng mong muốn hai địa phương là Bắc Giang và Lạng Sơn phối hợp với Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn và các đơn vị tư vấn, nhà thầu khác để đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công công trình và thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…

Theo ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn bao gồm hai hợp phần; trong đó, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 63,86km và hợp phần nâng cấp Quốc lộ 1 dài 110,2km.

Hiện nay, hợp phần tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đã hoàn thành khoảng 60–70% khối lượng thi công, trong đó, 64km đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục.

Theo kế hoạch trong tháng 7/2017, nhà đầu tư sẽ tiến hành thi công hợp phần cao tốc của dự án. Dự kiến, tháng 5/2019 sẽ hoàn thành phần nền đường, tháng 11/2019 hoàn thành phần mặt đường và cuối tháng 12/2019, toàn bộ dự án sẽ được thông xe đưa vào khai thác.

Quang Toàn (TTXVN)
Gỡ xong nút thắt vốn, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn tái khởi động
Gỡ xong nút thắt vốn, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn tái khởi động

Sau khi các vướng mắc đã được nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn tháo gỡ, đến thời điểm này Bộ Giao thông Vận tải đã cơ bản đồng thuận cho dự án tiếp tục thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN