Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc và thách thức tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

Các nhà nghiên cứu và chuyên gia kinh tế dự báo trong vòng từ 3 đến 5 năm tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sẽ ngấm sâu nhất tác động xấu của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Tác động rõ khi nhập khẩu nguyên liệu nhiều 

Ngày 6/7, Mỹ chính thức áp thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc và đe doạ tiếp tục áp thuế nữa trong tháng 9 này. Đáp trả lại Mỹ, Trung Quốc cũng ngay lập tức áp thuế tương tự với hàng hoá trị giá 34 tỷ USD của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt khi Mỹ lại gia tăng áp lực khi sẽ tăng tiếp mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hoá nữa.

Chế biến mực xuất khẩu tại Công ty XNK thủy sản Nam Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia), khi độ mở của nền kinh tế càng lớn thì ảnh hưởng từ các cú sốc bên ngoài càng lớn.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc tác động đến thương mại thế giới do do giảm chung của thương mại toàn cầu, liên quan đến giá hàng hoá xuất nhập khẩu từ hai nền kinh tế lớn này cũng như vấn đề tỷ giá. Tác động đó không chỉ liên quan đến thương mại mà ngấm sâu đến khu vực sản xuất vì với nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu như Việt Nam thì tác động từ thương mại đến sản xuất là rất rõ. 

“Theo dự báo của chúng tôi thì trong vòng từ 3 đến 5 năm tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sẽ ngấm sâu nhất tác động xấu của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc. Như thế, đến giai đoạn 2021-2023 thì Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực khá lớn, đó là khi tác động về thương mại đã ngấm dần vào sản xuất và làm thay đổi cơ cấu sản xuất”, TS. Trần Toàn Thắng khẳng định. 

Về vấn đề tỷ giá hiện đang nhận được quan tâm nhất hiện nay, theo TS Trần Toàn Thắng, cuộc chiến thương mại cho thấy vấn đề về tỷ giá xảy ra khá sớm. Cuối 2018 đã có thể thấy tác động đến tỷ giá khá lớn đối với đồng Nhân dân tệ và đồng Đôla. 

Tuy nhiên, nếu tỉnh cả quan hệ ở cả quan hệ thị trường tài chính và quan hệ cung cầu xuất nhập khẩu thì thấy tỷ giá giữa đồng Đôla và đồng Việt Nam thì VNĐ có thể còn có xu hướng tăng giá hơn một chút so với đồng Đôla. 

Tăng trưởng không chịu ảnh hưởng nhiều

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc không ảnh hưởng gì quá lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

“Đến 2021 tăng trưởng GDP có thể giảm khoảng 0,12% và mức này là tương đối thấp. Những lo ngại do xuất, nhập khẩu đều giảm cũng như những ảnh hưởng đến FDI nhưng chu kỳ ảnh hưởng thì phải đến 2022 mới đạt đỉnh và ảnh hưởng cũng không quá nhiều. Do đó, từ phân tích của chúng tôi không nên quá lo lắng về vấn đề này”, TS. Trần Toàn Thắng nhận định.

TS. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) cũng khẳng định, kinh tế Việt Nam 2018 có sự khác biệt khá lớn so với vài năm lại đây, đặc biệt là 6 tháng đầu năm. Nét nổi bật của 6 tháng đầu năm nay đã được ghi nhận với tăng trưởng ở mức cao (GDP quý 1 tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây; GDP quý 2 tăng 6,79% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong vòng 8 năm qua); xuất khẩu nông sản cũng đạt bước tiến mới, đặc biệt khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh; cán cân thương mại và tổng thể đạt thặng dư.

Tuy nhiên, tỷ giá có xu thế giảm (khoảng 2%) và đang chịu sức ép khá lớn do thay đổi chính sách về lãi suất của Mỹ cũng như ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc. 

Lạm phát 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ do 2018 tăng giá của lương thực (chiếm gần 40%), giá y tế có điều chỉnh dù không mạnh, giá giao thông tăng mạnh so cùng kỳ (hơn gấp đôi, do điều chỉnh giá xăng dầu thế giới)...

Do đó, theo TS. Đặng Đức Anh, thách thức kinh tế trong 6 tháng cuối năm là sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô sẽ ngày càng lớn (tỷ giá, lạm phát). Trong cuộc họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã tái khẳng định kiềm chế lạm phát dưới 4% bằng hàng loat chính sách như không tăng giá điện, tỷ giá khoảng 2%, không điều chỉnh thuế môi trường, VAT. Đây là động thái tích cực trước sức ép ổn định kinh tế vị mô và để ổn định môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, lực đẩy cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm đang mất dần. Khu vực công nghiệp chế biến chế tạo mà chúng ta coi là động lực chính nếu gạt ra khu vực đầu tư nước ngoài thì vẫn chủ yếu hoạt động của phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Tác dụng của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện thể chế chưa thấy tác động rõ nét. Lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài mất dần, không có động lực mới bổ sung. Nền kinh tế vẫn tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn. Do đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, sau hai quý tăng (quý 1 và quý 2) thì bắt đầu có xu hướng giảm. 

Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cuối năm và ứng phó với những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc trong thời gian tới, theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia), Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư minh bạch, tăng cường năng lực công nghệ để thu hút FDI công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần kiểm soát ngoại tệ đề phòng hiện tượng thoái vốn, chuyển vốn các nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam; chủ động đối phó với các biến động về tỷ giá, kiểm soát lạm phát do giá cả hàng hóa tăng.

Xuân Phong/Báo Tin tức
Trung Quốc sẵn sàng đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại
Trung Quốc sẵn sàng đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Trung Quốc đã sẵn sàng đối mặt với các mối đe dọa từ nước Mỹ liên quan tới nguy cơ leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai nước và sẽ đáp trả để bảo vệ vị thế cũng như lợi ích của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN