Theo PGS.TS Hoàng Thị Phương Thảo, Trường Đại học Mở TP.HCM, với dân số hơn 90 triệu người; tỷ lệ người sử dụng internet chiếm 46% năm 2016, ngành bán lẻ trực tuyến Việt Nam hứa hẹn nhiều tiềm năng. Người tiêu dùng bắt đầu có thói quen mua sắm qua mạng một phần vì những tiện ích của nó, một phần vì sự lôi cuốn của những quảng cáo hấp dẫn trên internet.
Hơn 68.200 sản phẩm khuyến mãi hấp dẫn được cập nhật và sắp xếp đầy đủ theo các nhóm ngành hàng.Ảnh: Uyên Hương/TTXVN |
Nhiều thương hiệu đã nhận biết được sức mạnh của mạng xã hội và tận dụng những thế mạnh của công nghệ để giới thiệu sản phẩm như: Công ty Cổ phần công nghệ Sen Đỏ (sendo.vn), Công ty TNHH Recess (lazada.vn), Công ty TNHH Hotdeal (hotdeal.vn), Công ty Giải pháp công nghệ Hòa Bình (chodientu.vn)...
Chỉ cần ngồi một chỗ với chiếc máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet, người tiêu dùng có thể mua được bất cứ thứ gì từ thực phẩm tươi sống đến đồ gia dụng, mỹ phẩm, quần áo thời trang và thậm chí là đồ công nghệ… Không thể phủ nhận tính tiện ích của mua bán hàng hóa qua mạng như dễ dàng giao dịch và thanh toán, tiết kiệm thời gian đã thu hút nhiều người tiêu dùng tham gia vào mô hình này.
Theo kết quả điều tra từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), doanh thu từ bán lẻ trực tuyến năm 2015 đạt hơn 4 tỷ USD (chiếm khoảng 3,57% trong tổng doanh thu bán lẻ của cả nước) và dự kiến đạt 10 tỷ USD năm 2020; trong đó, ba nhóm hàng hóa được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn mua sắm trên mạng là thời trang - mỹ phẩm (64%), hàng công nghệ - điện tử (56%) và đồ gia dụng (49%).
Như vậy, thời trang, mỹ phẩm là hàng hóa có tỷ lệ thường xuyên mua sắm cao nhất, tiếp theo là hàng công nghệ điện tử được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn mặc dù đây là nhóm hàng cần có sự tư vấn về mặt kỹ thuật và chức năng sản phẩm.
Khảo sát của Nielsen (một doanh nghiệp chuyên ngành dịch vụ, tư vấn, luật) về mua sắm và giao dịch trực tuyến bằng thiết bị di động tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, việc mua sắm trên toàn cầu ngày càng thay đổi, đặc biệt khi người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động có kết nối internet nhiều hơn để tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ trên mạng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hình thức mua bán online phát triển cũng là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái len lỏi, đem đến nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Bởi, bên cạnh những trang bán hàng uy tín, được sự tín nhiệm của khách hàng thì có không ít cá nhân, tổ chức đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng và sự quản lý chưa tốt của cơ quan chức năng để trà trộn, đưa hàng giả, kém chất lượng ra thị trường làm thiệt hại cho người tiêu dùng và những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Một trong những rủi ro thường gặp nhất đó là sản phẩm nhận được khác so với hình ảnh quảng cáo hay kém chất lượng, nhái mẫu mã, thương hiệu nổi tiếng. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là những sản phẩm gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng như thuốc tân dược giả, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả…
Chị Phạm Thị Minh, một nhân viên văn phòng tại TP.HCM cho biết, do phải thường xuyên làm việc trên máy tính và không có thời gian ra ngoài cửa hàng nên chị thường hay vào các trang bán hàng online. Những sản phẩm chị thường đặt mua như đồng hồ, giày dép, quần áo, chăn, ga, vật dụng gia đình. Sau nhiều lần mua hàng không được sản phẩm như ý muốn, càng lúc chị càng thất vọng và không còn niềm tin vào hàng hóa qua mạng.
Thực tế, cũng đã có nhiều người tiêu dùng mua hàng qua mạng mua phải hàng hóa kém chất lượng. Nếu hàng hóa mua có địa chỉ rõ ràng thì theo quy định của pháp luật, người tiêu dùng vẫn được đền bù, tuy nhiên nếu mua phải hàng hóa của công ty, cửa hàng không có địa chỉ rõ ràng, địa chỉ ảo thì người tiêu dùng phải chịu thiệt.
Cần chế tài nặng hơnSố liệu thống kê của Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), trong 10 tháng năm 2016, cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý hơn 2.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xử phạt hành chính 58 tỷ đồng. Đặc biệt tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện, thu giữ nhiều vụ buôn bán hàng giả lớn về quy mô và số lượng; trong đó chủ yếu là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Những số liệu trên chỉ là phần nổi của vấn nạn hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là với xu thế mua sắm qua mạng phát triển mạnh như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển khoa học công nghệ Vina, vấn nạn hàng giả, hàng nhái không trừ một sản phẩm nào. Một sản phẩm hàng hóa bị làm giả có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến thương hiệu, sản phẩm mất niềm tin của người tiêu dùng, nhà nước thất thu thuế.
Vấn đề ở đây, ngay từ ban đầu, người quản trị doanh nghiệp phải xây dựng chặt chẽ hệ thống quản trị thương hiệu, nguồn gốc sản phẩm và nhãn hiệu của mình khi lưu hành trên thị trường. Khi có hàng giả, hàng nhái len lỏi sẽ có giải pháp để ngăn chặn và cảnh báo cho người tiêu dùng tạo ra sự lan tỏa truyền thông để đẩy lùi vấn nạn hàng giả.
Cũng theo ông Hồng, hiện các chế tài xử lý vi phạm hàng giả, hàng nhái đã có nhưng vẫn chưa mạnh, chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần có chế tài xử phạt nặng những trang thông tin thương mại điện tử vi phạm và xử lý thật nặng những trang có dấu hiệu bán hàng giả để bảo vệ người tiêu dùng và quyền lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Những sàn thương mại điện tử nào vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng giả cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước rút giấy phép hoặc đóng cửa không cho kinh doanh.
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái đang diễn biến ngày càng phức tạp, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương cho biết, để không bị thiệt thòi khi mua sắm online người tiêu dùng phải thận trọng và lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, có thương hiệu hàng hóa chất lượng. Thực tế, mua hàng online rất dễ bị lừa vì khi mua hàng qua mạng, không có 2 mặt hàng để gần nhau thì không thể đối chiếu được hàng thật, hàng giả. Trong khi đó chế tài xử lý rất khó bắt giữ, kiểm tra xử lý.
Chính sách thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hiện nay còn chồng chéo, gây khó khăn cho xử lý. Một khó khăn nữa là không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực trong việc hỗ trợ cơ quan chức năng để bắt hàng giả hoặc chống việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vẫn “vô tư” bán hàng trong khi hàng giả thương hiệu của doanh nghiệp mình tràn lan ngoài thị trường. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy này, bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mình, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ phối hợp với cơ quan chức năng để nhận biết và đẩy lùi hàng giả. Vì cơ quan chức năng hay người tiêu dùng không thể nào nhớ hết những dấu hiệu để phân biệt hàng thật- hàng giả.
Kinh doanh qua mạng là xu thế tất yếu của cuộc sống hiện đại nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa theo kịp để quản lý thị trường mới này, trước hết người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình. Khi mua hàng qua mạng, người tiêu dùng phải hết sức quan tâm đến tính chính danh của trang mạng đó để quyết định mua, đặc biệt là đối với những quảng cáo thái quá về tính năng của sản phẩm…