Cẩn trọng đầu tư trước hiệu ứng Brexit

Sau sự kiện người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn phương án nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, chứng khoán sụt giảm mạnh, giá dầu rơi, giá vàng đảo chiều nhảy vọt lên cao nhất 2 năm lại đây. Tại Việt Nam, Brexit cũng tác động khá lớn lên thị trường chứng khoán, tỷ giá và giá vàng.

Sẽ tác động mạnh lên vàng và tỷ giá

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, đến thời điểm này Anh vẫn chưa rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nên cũng khó xác định hiệu ứng Brexit sẽ như thế nào, và quá sớm để có thể nhìn nhận chính xác nên đầu tư gì để nắm bắt cơ hội phát sinh từ Brexit. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là nền kinh tế của Anh và EU sẽ bị tác động mạnh mẽ khi Anh rời khỏi EU. Tất nhiên, những doanh nghiệp (DN) Việt Nam có mối quan hệ kinh doanh với hai nền kinh tế đó cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Dự báo, đầu tư nước ngoài, hàng hóa xuất nhập khẩu vào thị trường Việt Nam và ngược lại có thể bị suy giảm. “Tôi nghĩ, giá trị của đồng Euro và đồng bảng Anh đang suy giảm so với USD, chính vì thế hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU có thể sẽ trở nên đắt đỏ hơn vì ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ giá”, ông Hiếu chia sẻ.

Cũng theo ông Hiếu, một ảnh hưởng lớn hơn nữa đó là đồng Nhân dân tệ (NDT). Hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang các nước châu Âu sẽ trở nên đắt đỏ, có thể buộc Trung Quốc phải hạ giá đồng Nhân dân tệ, nghĩa là tăng đồng NDT với đồng ngoại tệ khác… Như vậy, giá trị của VNĐ với NDT sẽ tăng lên, và hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ tăng cao và trở lại tình trạng giống như năm ngoái khi đồng NDT bị phá giá thì lập tức Việt Nam cũng bị phá giá theo thị trường xuất khẩu của mình. Điều này sẽ tạo áp lực lên VNĐ ngày càng lớn, có thể VNĐ phải phá giá so với đồng USD và phá giá với tất cả các đồng tiền khác.

Hiệu ứng Brexit khiến giá vàng trong nước tăng giá mạnh trong tuần này.

Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) đã có những biến động khi trải qua những cơn sóng do tác động từ Brexit. Dù vậy, mấy ngày qua TTCKVN đã tìm được sự ổn định. Nhưng đối với thị trường vàng, đến thời điểm này vẫn tiếp tục biến động. Chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho rằng vàng luôn là tài sản mà nhà đầu tư tìm tới nhằm bảo vệ bản thân trước những biến động khó lường.

Quan điểm của TS Tín, thì việc đầu tư chứng khoán là cực kỳ rủi ro, do thị trường tài chính toàn cầu sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và theo chiều hướng không tốt sau sự kiện Brexit vì TTCK Việt Nam sẽ không tránh khỏi tác động của TTCK toàn cầu. Do đó, đầu tư kênh chứng khoán sẽ nhiều rủi ro, lại không mang lại lợi nhuận cao. Thị trường này khó tăng thêm cho đến cuối năm.

“Rõ ràng, sau khi có kết quả gần 52% người dân Anh ủng hộ việc nước này rời khỏi EU, nhưng người Anh phải chờ thủ tục này ít nhất trong vòng 2 năm để chính thức được ra khỏi khối đồng tiền chung. Tình hình chính trị nước Anh trở nên khó đoán hơn khi mà sau khi có kết quả bỏ phiếu thì Thủ tướng Anh đã tuyên bố từ chức và chắc chắn tình hình chính trị, kinh tế của Anh và 27 nước còn lại trong khối cũng sẽ không sáng sủa hơn hiện nay bao nhiêu. Do đó, nền tài chính trên toàn cầu chắc chắn sẽ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực, càng làm cho vàng trở nên có giá trị hơn và sẽ là 1 kênh trú ẩn an toàn cho người dân toàn cầu, lúc đó giá vàng sẽ ngày càng theo xu hướng tăng. Bên cạnh đó, với kết quả bỏ phiếu này, Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ không tăng lãi suất trong khoảng thời gian còn lại của năm 2016, thậm chí đến cả đầu năm 2017. Chính điều này càng hỗ trợ cho việc gia tăng của giá vàng trong thời gian tới”, TS Tín phân tích.

Đầu tư gì để nắm bắt cơ hội?

Với những hiệu ứng từ Brexit có thể đem lại những khủng hoảng trong tương lai, nhiều người băn khoăn nên làm gì, đầu tư gì để tránh rủi ro cũng như nắm bắt cơ hội.

Bàn về vấn đề này, TS Tín cho rằng, hiện nay thị trường vàng đang biểu hiện rõ nét về tăng giá. Dự kiến trong 6 tháng còn lại, nhiều khả năng giá vàng sẽ tăng thêm khoảng từ 7-10%, tức tăng lên mức từ 1400 - 1440 USD/oz. Tuy vậy, cơn sốt vàng trong dân sẽ không lặp lại như từng xảy ra vì hai lý do. Thứ nhất, người dân đã “thấm thía” các đợt thua lỗ nặng khi giá vàng rớt từ giá đỉnh điểm 49 triệu đồng/lượng xuống 33 triệu đồng/lượng (lỗ trên 30%). Không những thế, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng thua lỗ và dẫn đến nợ nần, phá sản nhiều, nổi trội nhất cách đây gần 4 năm là Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Tuấn Tài, có chi nhánh ở 39 Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5, TP Hồ Chí Minh từ 1 doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh trở nên phá sản.

Thứ hai, giá vàng trong nước thường chịu tác động thuận chiều với giá vàng thế giới. Trong những năm gần đây, giá vàng thế giới luôn ở mức thấp, có lúc xuống dưới 1200 USD/oz. Do đó, khi giá vàng lên, người dân sợ giá vàng lại xuống và tiếp tục “nằm” ở mức giá thấp như trước.

“Việc đầu tư vàng nên được xem là kênh cất trữ lâu dài, còn nếu xem vàng là kênh đầu cơ và lướt sóng thì người dân cũng sẽ gánh chịu nhiều rủi ro như đã từng xảy ra vài năm về trước”, TS Bùi Quang Tín khuyến cáo.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc đầu tư vàng sẽ gặp nhiều rủi ro bởi cuối năm người dân thường “chốt” vàng. Và dù vàng đang trong thời điểm tăng giá, nhưng nếu lượng cung vàng ra thị trường quá nhiều cũng khiến giá vàng đi xuống. Còn chứng khoán, hiện thị trường đã ổn định tốt và thời gian tới vẫn tiếp tục có sự ổn định, phát triển, theo đó người dân có thể đầu tư. Tuy nhiên, kênh đầu tư này chỉ dành cho người chơi chuyên nghiệp, nếu người chơi tay ngang tham gia cũng giống như đánh bạc, nhờ vào sự may rủi nên cũng không nên tập trung quá vào thị trường này.

Với gửi tiết kiệm vào ngân hàng, TS Tín và TS Hiếu đều nhận định đây là kênh đầu tư tốt nhất trong 4 kênh vì dự đoán từ nay đến cuối năm thì lãi suất sẽ còn tăng nữa. “Mặc dù việc này phụ thuộc vào các chính sách, quyết sách do ngân hàng trung ương vẫn muốn lãi suất giảm. Nhưng trước biến động của nền kinh tế thế giới cũng như tác động của Brexit vào Việt Nam, từ đây đến cuối năm lãi suất có thể tăng thêm 0,5%”, TS Hiếu dự báo.

Với thị trường bất động sản (BĐS), TS Hiếu cho biết vẫn chưa thấy Brexit sẽ có tác động nào đến thời điểm này. Nhưng với TS Tín, nếu người dân mong muốn lợi nhuận cao hơn và rủi ro hơn 1 tí thì có thể xem xét kênh đầu tư vào BĐS. Tuy nhiên, với kênh đầu tư này, người dân cần có kiến thức và kinh nghiệm trong việc chọn lựa dự án cần đầu tư và chủ đầu tư. Tỷ suất sinh lời trong 6 tháng còn lại của năm nay có thể đạt được từ 7-10%, tùy theo từng dự án.

Còn nếu đầu tư sản xuất, kinh doanh thương mại các lĩnh vực khác, TS Tín khuyến cáo, cần có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực đó, nếu không sẽ dễ gặp thua lỗ hơn các kênh ở trên. Tuy nhiên, TS Hiếu cho rằng, vấn đề quan trọng của Việt Nam là làm sao tăng được xuất khẩu để lấy ngoại tệ về, phá giá tiền đồng là một trong những biện pháp để giá thành trở nên cạnh tranh hơn. Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp trước mắt, còn về lâu dài thì hàng hóa của Việt Nam phải nâng cao được chất lượng sản phẩm, tìm những thị trường mới thay thế thị trường đang bị ảnh hưởng. Đồng thời, xem xét vấn đề điều chỉnh tỷ giá của mình cho phù hợp với thực tế hiện tại.

Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng: Không lo ngại việc đô la hóa và vàng hóa 

Trước sự suy thoái kinh tế của thế giới đã làm cho giá vàng quay đầu trở lại. Nhưng giá vàng cũng quay đầu ở mức không quá cao, một phần giao dịch chủ yếu của khách hàng vẫn là nhu cầu thực, mặt khác đồng đô la vẫn mạnh và sẽ không yếu đi. Một khi đồng đô la không yếu thì tức là, vàng không có cơ sở để lên nhiều. Hơn nữa, giá vàng có sự tương đồng với đô la và giá dầu, mà giá dầu đang ở mức quanh 50 USD/thùng, đến cuối năm khả năng cũng không tăng lên hơn. Như vậy, tôi cho rằng bài toán về Brexit cùng lắm 2 -3 tháng nữa sẽ hết dư chấn, và giá vàng có tăng cũng chỉ tối đa khoảng 2 tháng mà thôi, sau đó nó sẽ điều chỉnh gần bằng giá vàng quốc tế. 

Ngoài ra, có thể xuất hiện một lượng cầu vàng do tâm lí giá vàng tăng. Nguyên nhân, BĐS bắt đầu chững lại nên người ta không thích đầu tư BĐS nữa và xuất hiện một lực mua vàng, nhưng lực mua vàng sẽ không lớn. Tức là, nó sẽ kéo dài trong vòng 1 tháng nữa và sẽ xuống lại, nên giá vàng Việt Nam nếu có tăng bây giờ thì tăng hơi mạnh, nhưng cũng do ảnh hưởng những yếu tố trên, sẽ không có nguồn tiền nhiều để mua nên giá vàng sẽ không tăng kéo dài. 

Chưa kể, việc điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ vẫn rất tốt, việc cung tiền cũng sử dụng hợp lý, không in tiền ra thêm nữa nên Việt Nam đồng vẫn còn giá trị. Đây vẫn là đồng tiền chính trong việc lưu thông sản xuất cũng như gửi ngân hàng. Theo đó, dù người dân vẫn còn thích vàng hay đô la thì cũng ở chừng mực đó thôi. Với những yếu tố trên, tôi cho rằng không lo ngại việc đô la hóa và vàng hóa do hiệu ứng Brexit. Và nếu nó có xảy ra thì không phải do lỗi của vàng và đô la mà do mình không giữ được giá trị của đồng tiền.


 
Hải Yên
Giá vàng tiến sát đỉnh 40 triệu đồng/lượng
Giá vàng tiến sát đỉnh 40 triệu đồng/lượng

Đến 17 giờ giờ chiều nay, giá vàng SJC của Tập đoàn DOJI bán ra là 39,6 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn bán với giá 39,7 triệu đồng/lượng. Khoảng cách mua vào - bán ra được các doanh nghiệp nới rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN