Bên lề Quốc hội, ngày 2/6, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội có trao đổi với báo chí về tình hình phát triển kinh tế xã hội và ngân sách năm 2013 và đầu năm 2014:
* Ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2013 và đầu năm 2014?
Qua theo dõi sự tăng trưởng từng tháng, từng quý năm 2013 cho thấy tín hiệu phục hồi kinh tế rõ hơn. Trong những tháng đầu năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng thể hiện rất rõ với điều kiện không có sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn được giữ vững và giúp kinh tế kinh tế được phục hồi và tăng trưởng khá. Nếu tình hình Biển Đông không xấu đi, không ảnh hưởng lớn đến quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác quốc tế thì kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi và phát triển.
* Tuy nhiên theo ông đã có kịch bản nào cho nền kinh tế với vấn đề Biển Đông như hiện nay?
Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã tạo nên sự bất ổn và làm suy giảm mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, điều này cũng tác động đến thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Vấn đề bây giờ là theo dõi diễn biến tình hình Biển Đông và dự báo sát để chúng ta có kịch bản chủ động ứng phó. Trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng sự chủ động của Việt Nam hết sức quan trọng. Ngoài những giải pháp chính trị, đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, về kinh tế xã hội, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, kể cả tái cơ cấu thị trường, giảm thiểu sự phụ thuộc về xuất nhập khẩu vào một quốc gia. Chúng ta cũng phải rà soát lại việc tham gia của một số nhà thầu, nhất là nhà thầu quốc tế, hạn chế nhà thầu, tổng thầu của một quốc gia chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế. Đó là những việc trước mắt để duy trì cân đối vĩ mô.
* Thực tế nhà thầu Trung Quốc đang có mặt trên nhiều lĩnh vực. Vậy chúng ta có giải pháp nào không thưa ông?
Theo Luật đầu tư, các nhà đầu tư được hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Môi trường đầu tư của Việt Nam đang ổn định, có nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chúng ta cũng đang tính đến trường hợp thoái lui của các nhà thầu nước ngoài. Lúc đó phải có giải pháp để bù đắp để giảm sự sụt giảm đột ngột của đầu tư nước ngoài, kéo theo sự những biến động về kinh tế, xuất khẩu, tài chính...
* Với tình hình Biển Đông như hiện nay, Quốc hội có cần điều chỉnh chỉ tiêu để phù hợp hơn không thưa ông?
Các chỉ tiêu về kế hoạch kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước chắc chắn bị tác động từ tình hình Biển Đông. Tình hình “nóng” lên hay “lạnh” đi của Biển Đông sẽ dội vào nền kinh tế nên vấn đề hiện nay là xem xét các kịch bản. Chúng ta đã có những kịch bản để chủ động xử lý. Với tình hình như hiện nay thì những tác động về kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước chưa phải vấn đề lớn phải bàn. Tuy nhiên, để giữ vững chủ quyền của đất nước đang đặt ra nhiều vấn đề như đóng tàu cho kiểm ngư, cảnh sát biển, hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt hải sản, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa và Hoàng Sa.
Trong bối cảnh đó, Ủy ban tài chính Ngân sách đã phối hợp cơ quan Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước lên mức tối đa là 195.000 tỷ đồng để đủ bù hụt thu ngân sách năm 2013, thưởng các địa phương vượt thu ngân sách 2013 và hỗ trợ bù hụt thu cho các địa phương không đạt dự toán, phần còn lại để hỗ trợ ngư dân đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ, bổ sung kinh phí cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển. Đấy là những vấn đề trước mắt. Trong những năm tài khóa tới, chúng ta phải tiếp tục tính toán, cân nhắc để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền, lãnh thổ.
* Ngân sách dự kiến cho kiểm ngư và cảnh sát biển đóng tàu là bao nhiêu, thưa ông?
Ngân sách đã được giao trong dự toán, khoản tôi nói là bổ sung thêm từ điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013 lên 195.000 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP) thì phần tăng thêm cộng với tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương, trong đó có gói 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân cũng như đóng tàu cho lực lượng chấp pháp.
* Một số đại biểu đề nghị điều chỉnh nguồn đầu tư một số công trình không hiệu quả sang cho lực lượng chấp pháp trên biển và ngư dân, ý kiến ông như thế nào về vấn đề này?
Điều chỉnh cắt giảm chi phí đầu tư phải cân nhắc vì nhiều năm qua chúng ta đã rà soát, điều chỉnh chi đầu tư và thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng, khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn. Đúng là có nhiều dự án công trình đã đầu tư phải kéo dài, kém hiệu quả. Đầu tư cho lực lượng chấp pháp trên biển và hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ là cấp thiết, nhưng thực hiện chắc chắn không thể trong một thời điểm mà phải có lộ trình. Ngay cả ngân sách do Nhà nước cấp cũng cần có lộ trình.
16.000 tỷ đồng là khoản ngân sách không nhỏ. Quốc hội cũng đã thấy vấn đề, chấp nhận phải điều chỉnh bội chi, trong điều kiện nợ công tương đối cao, để giải quyết vấn đề này, cho thấy đây là vấn đề hết sức cấp bách. Để xử lý được 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân là cần thiết, nhưng tôi cho rằng không thể ngay được vì yêu cầu kỹ thuật, quy mô, thời gian đóng tàu dài hơn.
* Tàu là tài sản của doanh nghiệp và dễ gặp rủi ro trên biển, theo ông có chính sách bảo hiểm, bồi thường hay hỗ trợ cụ thể để họ tiếp tục ra khơi bám biển dài ngày?
Để ngư dân bám biển dài ngày vừa phát triển kinh tế, vừa giữ vững chủ quyền thì phải có giải pháp tổng thể. Bảo hiểm cho ngư dân là hết sức cần thiết. Chủ trương đã rõ, quan điểm Quốc hội, Chính phủ ủng hộ nhưng thực hiện như thế nào? Bảo hiểm là phải có phần đóng của chủ tàu để đền bù khi có thiệt hại và thực hiện đến đâu trong điều kiện đánh bắt hiện nay. Theo nguyên tắc bảo hiểm, để cân bằng quỹ thì phải đóng nộp nhiều nhưng dẫn đến tình trạng, trong điều kiện rủi ro lớn phải đóng nhiều liệu có khả thi nên tôi cho rằng về phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Chúng ta hỗ trợ đóng tàu và cần có tổng kết để hỗ trợ tổng quát làm sao ngư dân sống bằng nghề và giữ được chủ quyền. Qua biến động ở Biển Đông, Quốc hội và Chính phủ phải rà soát lại cơ chế hỗ trợ ngư dân hiện nay để xây dựng cơ chế đồng bộ.
* Xin cám ơn ông!
Xuân Minh (thực hiện)