Cần có chiến lược quốc gia về phát triển thị trường nội địa

Thương mại nội địa, xuất khẩu, đầu tư... là những trụ cột tạo nên sức tăng trưởng cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên ở nước ta, trong những năm gần đây, trong khi xuất khẩu và đầu tư được quan tâm thích đáng thì thương mại nội địa lại bị “bỏ quên”. Do đó, trong thời gian tới, cần phải hoạch định những chiến lược mang tầm quốc gia cho sự phát triển của thương mại nội địa.

Sức hấp dẫn của thị trường có quy mô 100 tỷ USD

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn lớn nhờ kinh tế phát triển, mức độ đô thị hóa tăng nhanh. Hiện nay, quy mô dân số nước ta đã đạt 86 triệu người, trong đó gần 70% dân số ở độ tuổi dưới 35, là độ tuổi có mức chi tiêu dùng cao nhất; chi tiêu của người tiêu dùng tăng khoảng 18%/năm và tổng mức bán lẻ tăng khoảng 20%/năm; thị trường nông thôn có tỷ lệ tiêu dùng trên thu nhập tăng thêm rất cao... Dự kiến trong năm 2012, tổng mức bán lẻ thị trường nội địa sẽ đạt khoảng 100 tỷ USD trong năm 2012.

Trong bối cảnh thành tích xuất khẩu trở thành mục tiêu, thì việc phát triển thị trường nội địa chỉ là động cơ thứ yếu. Nhưng, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy giảm kinh tế xảy ra, tổng cầu trên thị trường thế giới bị sụt giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp, trong khi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và hàng Việt Nam đã không thể vượt qua các hàng rào kỹ thuật mọc lên ngày càng nhiều, hàng của các nước lân cận cũng đổ vào Việt Nam với mật độ dày đặc thì các doanh nghiệp ngày càng nhận ra vai trò quan trọng của thị trường nội địa. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Lộc An cho rằng, thị trường nội địa không đơn thuần chỉ là căn cứ an toàn cho DN Việt Nam khi gặp “bão”, mà còn là điểm tựa để DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập vào thị trường quốc tế.

Mặc dù ý thức được vai trò quan trọng của thị trường nội địa bên cạnh thị trường xuất khẩu, nhưng theo ông Nguyễn Lộc An, để chiếm lĩnh thị trường nội địa trước sự xâm nhập ồ ạt của hàng hóa nước ngoài trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam là vấn đề rất khó khăn đối với các DN trong nước. Bởi lẽ, việc tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mới, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng có chất lượng cao nhưng giá thành hạ và tổ chức được hệ thống phân phối tốt không phải là công việc có thể giải quyết chỉ trong một vài năm, đặc biệt thời gian vừa qua, các DN Việt Nam chủ yếu tập trung vào sản xuất gia công hàng xuất khẩu, hệ thống phân phối hàng hóa còn thô sơ, chủ yếu theo hình thức truyền thống.

Cần có chiến lược mang tầm quốc gia

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, cần phải có chiến lược mang tầm quốc gia về phát triển thương mại nội địa. Trong đó, phải xếp thương mại vào diện được ưu đãi về mặt chính sách phát triển, nhất là về chính sách xây dựng hạ tầng cho thương mại. Bởi, đầu tư vào thương mại là “bỏ tiền tấn mà thu bạc cắc” nên Thứ trưởng Tú cho rằng: “Nhất là ở những địa bàn nông thôn, những vùng khó khăn, Nhà nước lại càng phải quan tâm tới phát triển thương mại. Có như vậy, sản xuất hàng hóa ở các vùng nông thôn mới tiêu thụ được dễ dàng, thu nhập của người dân mới được tăng lên và đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương mới có điều kiện phát triển mạnh”.

Ông Nguyễn Lộc An cũng cho rằng, để phát triển thị trường nội địa cần có những giải pháp đồng bộ từ khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm đến khâu xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm, thay đổi tâm lý và thói quen của người tiêu dùng. Phát triển thị trường nội địa hiệu quả cần có sự tham gia góp sức, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, cần sự quyết tâm hiệp lực của cộng đồng DN, trong đó vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng. Nhà nước cung cấp những lợi thế ưu việt cho các DN như: Lãi suất thấp cho đầu tư phát triển, quyền sở hữu tài sản được bảo vệ, bộ máy hành chính tốt, một lực lượng lao động được đào tạo và có kỷ luật cao, một mức lạm phát thấp và một cơ chế vận hành thị trường nội địa phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trước hết, để thị trường nội địa phát triển, Nhà nước cần có chiến lược quốc gia về thị trường nội địa; hoàn thiện hệ thống chính sách chống hàng lậu, hàng giả và ủng hộ hàng Việt Nam. Đồng thời hỗ trợ tiến hành tổ chức nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng; xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển mạng lưới phân phối trên thị trường nội địa, trong đó đặc biệt chú ý thị trường nông thôn.

Nhà nước cũng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hàng tiêu dùng được sản xuất trong nước; kêu gọi và khuyến khích người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên chọn hàng nội. Khuyến khích các trung tâm bán lẻ và siêu thị áp dụng tỷ trọng cao các mặt hàng được sản xuất trong nước; có chính sách hạn chế hoặc chấm dứt nhập khẩu những loại mặt hàng trong nước đã sản xuất ổn định và đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các DN cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ nội địa; chủ động thay đổi cơ cấu mặt hàng, sản phẩm cho phù hợp với thu nhập, tâm lý tiêu dùng của người tiêu dùng; chú trọng phát triển hệ thống phân phối...

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN