Đây là những động thái mới nhất cho thấy chính phủ các nước sẽ tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ kinh tế phục hồi sau tác động của đại dịch.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) Lee Ju-yeol ngày 11/6 cho biết ngân hàng này sẽ chuẩn bị một lộ trình bài bản để dần dỡ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ áp dụng trong thời gian đại dịch hoành hành nếu kinh tế nước này vẫn duy trì đà phục hồi ổn định như hiện nay.
Theo Thống đốc Lee Ju-yeol, thời điểm bình thường hóa chính sách tiền tệ sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế, tình hình dịch COVID-19 và rủi ro mất cân bằng tài chính. Thống đốc Lee Ju-yeol nhận định thị trường tài chính (cả ở trong và ngoài nước) có thể sẽ biến động mạnh hơn khi lạm phát tăng trở lại và điều này buộc các ngân hàng trung ương trên thế giới phải rút lại các biện pháp kích thích tài chính áp dụng thời đại dịch.
Tháng 4 vừa qua, BoK đã nâng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Hàn Quốc lên 4% trong khi giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5% mặc dù lĩnh vực xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Trước đó, vào tháng 2, BoK dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2021 của Hàn Quốc chỉ đạt khoảng 3%. Bên cạnh đó, BoK cũng nâng dự báo lạm phát của năm 2021 từ mức 1,3% lên 1,8%.
* Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Tengku Abdul Aziz ngày 10/6 khẳng định chính phủ sẽ làm tốt nhất có thể để kiềm chế đại dịch COVID-19 và đảm bảo phục hồi kinh tế.
Phát biểu tại cuộc họp của Cơ quan điều phối và thực thi chương trình kích thích kinh tế quốc gia, Bộ trưởng Aziz cho biết người dân cũng có thể đóng góp công sức trong cuộc chiến chống COVID-19 bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh, chủ động đăng ký thông qua phần mềm MySejahtera cài đặt trên điện thoại di động. Đây là điều quan trọng để đảm bảo rằng nền kinh tế có thể phục hồi và tăng trưởng trở lại, bắt đầu từ nửa cuối của năm nay.
Theo ông Zafrul Tengku Abdul Aziz, ngày 28/5 vừa qua, Chính phủ Malaysia đã thông qua gói hỗ trợ khoản vay trị giá 12,06 tỷ ringgit (khoảng 29 triệu USD) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), do Ngân hàng Trung ương Malaysia điều phối, mang lại lợi ích cho 25.605 SME.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Malaysia đã có kế hoạch hỗ trợ khoảng 1 triệu SME tổng cộng 5,1 tỷ ringgit (khoảng 12 triệu USD), với hy vọng giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp của Lệnh kiểm soát dịch chuyển toàn diện.
Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Malaysia đã đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, gói mới nhất là gói PEMERKASA Plus trị giá 40 tỷ ringgit (97 triệu USD).
* Trong khi đó, ngày 10/6, Jordan đã khởi động một chương trình thúc đẩy du lịch trong nước với tổng trị giá 9 triệu USD nhằm giúp các daonh nghiệp trong lĩnh vực này khắc phục những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Du lịch Jordan Nayef Al-Fayez cho biết chương trình sẽ được thực hiện với sự hợp tác của các công ty du lịch nhằm khuyến khích người dân đến thăm các điểm du lịch trên khắp Jordan với giá rẻ.
Ông Nayef Al-Fayez lưu ý các văn phòng du lịch trên cả nước tham gia chương trình, bao gồm lập kế hoạch, thực hiện các chuyến đi, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch, hàng không nội địa và một loạt các cơ sở du lịch. Jordan khởi động chương trình thúc đẩy du lịch sau khi số lượng người dân được tiêm vaccine COVID-19 tăng và tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được cải thiện.
Ngành du lịch đóng góp 13% GDP của Jordan. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, doanh thu ngành du lịch năm 2020 giảm mạnh xuống chỉ còn 1 tỷ dinar Jordan (1,41 tỷ USD), từ mức 4,1 tỷ dinar năm 2019.