Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhận được hơn 430 tỷ USD từ các cam kết đóng góp của chính phủ các nước, trong đó có các nước mới nổi thuộc nhóm BRICS, vào quỹ dự phòng rủi ro - một quỹ được thành lập nhằm mục đích can thiệp để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm tàng trong tương lai.
Thông báo trên được đưa ra sau hội nghị giữa IMF và các bộ trưởng tài chính cùng thống đốc Ngân hàng trung ương khối G-20 diễn ra ngày 20/4 tại thủ đô Oasinhtơn, Mỹ. Tuyên bố của hội nghị nêu rõ cam kết ủng hộ quỹ dự phòng vượt mức 400 tỷ USD mà IMF đưa ra được cho là một bước đi tích cực nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực khắc phục khủng hoảng nợ tại châu Âu, song vẫn còn nhiều rủi ro. Tuyên bố nhận định số các rủi ro đã giảm, song vẫn tiếp tục ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế thế giới hiện đang có những dấu hiệu được cho là phục hồi khiêm tốn. Tuyên bố cho rằng sự bất trắc vẫn còn cao một phần do các sức ép trên thị trường tài chính tại châu Âu và dự báo tăng trưởng năm 2012 vẫn ở mức trung bình.
Bà Christine Lagarde cho biết với 68 tỷ USD đóng góp từ các nền kinh tế mới nổi, IMF đã vượt mục tiêu 400 tỷ USD cho quỹ "tường lửa" mà tổ chức đặt ra trước đó. Ảnh: AFP-TTXVN |
Phát biểu sau hội nghị giữa IMF và bộ trưởng tài chính G-20, Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde cho biết với 68 tỷ USD đóng góp từ các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga, Braxin, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, IMF đã vượt mục tiêu 400 tỷ USD cho quỹ "tường lửa" mà tổ chức đặt ra trước đó. Con số này gần gấp đôi khả năng cho vay của Quỹ, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính toàn cầu cũng như giúp kinh tế thế giới phục hồi vững chắc hơn. Trước đó, các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu ơrô (Eurozone) đã cam kết đóng góp 200 tỷ USD, Nhật Bản - 60 tỷ USD, Anh, Hàn Quốc và Arập Xêút - mỗi nước 15 tỷ USD. Tuy nhiên tiến trình này cũng bị ảnh hưởng bởi việc Mỹ từ chối đóng góp khi nước này giữ nguyên quan điểm rằng các nguồn của IMF và châu Âu cũng đã đủ.
Mục tiêu ban đầu mà Tổng Giám đốc IMF đưa ra là mong muốn có được cam kết 600 tỷ USD. Tuy nhiên, mục tiêu này sau đó đã được hạ xuống còn 400 tỷ USD. Phải mất 5 tháng thương lượng IMF mới có được cam kết này sau khi châu Âu được yêu cầu phải tự tăng cường các nỗ lực đối phó với khủng hoảng trước khi có được các cam kết của quốc tế.
IMF cho biết nguồn ngân quỹ này sẽ được phân bổ cho toàn bộ các nước thành viên, chứ không dành riêng cho một khu vực cụ thể nào. Trước đó, một số nền kinh tế mới nổi, vốn đang tìm kiếm tiếng nói có trọng lượng hơn trong IMF, đã bày tỏ quan ngại rằng ngân quỹ mới có thể sẽ được dùng để bổ sung cho 3 gói cứu trợ khổng lồ hiện nay ở châu Âu.
TTXVN/Tin tức