Các nền kinh tế 'Mùa xuân Arập' lún sâu khủng hoảng

Sau hơn hai năm diễn ra các cuộc nổi dậy của "Mùa xuân Arập", tiến trình chuyển tiếp chính trị bắt đầu bộc lộ những chông gai khó gỡ và đường tới đích dân chủ vẫn còn quá xa qua chính bầu không khí căng thẳng tột độ tại Ai Cập, Tunisia hoặc Libya.

Trong bối cảnh như vậy, nhật báo Pháp "Le Figaro" mới đây nhận định rằng như một hệ lụy tất yếu, bất ổn chính trị đã mặc nhiên gây hậu quả nặng nề cho các nước này trên mặt trận kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch - vốn là được coi là ngành "công nghiệp không khói" chủ chốt của kinh tế Ai Cập và Tunisia - khiến nhiều nhà đầu tư bỏ chạy và hệ quả là thiếu tính thanh khoản nghiêm trọng.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn tại Ai Cập, nay cũng chịu nhiều ảnh hưởng do những bất ổn chính trị. Ảnh: Internet.


Nhật báo trên dẫn nhận định của Pascal Devaux, chuyên gia về khu vực Trung Đông của ngân hàng BNP Paribas, cho rằng nguồn dự trữ ngoại hối của Ai Cập đang tụt dốc tự do xuống mức báo động đỏ, không đủ để sử dụng cho nhập khẩu trong 3 tháng liên tiếp. Nếu không có viện trợ của các nước láng giềng vùng Vịnh, chắc chắn Ai Cập sẽ bị đẩy xuống vực phá sản. Khả năng tồn tại của kinh tế Ai Cập phụ thuộc vào việc giải ngân từ khoản 12 tỷ USD mà Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Kuwait đã cam kết cho vay dưới dạng gửi ngân hàng trung ương hoặc tính bằng sản phẩm dầu lửa. Nhưng kể cả khi được bàn giao suôn sẻ, các khoản viện trợ này cũng chỉ đủ để Cairô dễ thở lâu hơn một chút, khoảng từ 3-6 tháng.

Rối loạn chính trị triền miên đã đẩy Ai Cập lao sâu vào vòng xoáy tiêu cực: đồng nội tệ mất giá 10% từ đầu năm đến nay, căng thẳng lạm phát gia tăng với chỉ số giá lương thực leo thang 50% trong vòng 3 năm, thâm hụt tài khoản vãng lai không có điểm dừng… Nguyên nhân là do xuất khẩu giảm vì sự chững lại của sản xuất công nghiệp và giá nhập khẩu tăng, đặc biệt là dầu khí và các sản phẩm công nghiệp. Ai Cập hiện vẫn là nước nhập khẩu lúa mì hàng đầu và nhập khẩu ngô hàng thứ 5 trên thế giới. Có thể lấy một số liệu khác để minh chứng cho các khó khăn của Ai Cập: các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài từ năm 2008-2009 đến nay đã giảm 17 lần, tức từ 7 tỷ USD xuống còn 400 triệu USD sau "cách mạng".

Về tăng trưởng, nếu giai đoạn 2000-2008, GDP của Ai Cập luôn được duy trì ở mức trung bình 5% thì đến nay, "Mùa xuân Arập" đã khiến tỉ lệ này rút xuống còn khoảng 2%. Tình trạng đói nghèo và thất nghiệp đang phơi bày phía trước, trong đó thanh niên Ai Cập, lực lượng chủ chốt của "cách mạng 2011", là đối tượng hứng chịu thảm cảnh nhiều nhất. Một điểm đen khác không thể bỏ qua chính là lĩnh vực tài chính công. Thâm hụt ngân sách nhà nước hiện đã lên tới 13% GDP. Hơn một nửa ngân sách được sử dụng để trợ cấp cho lĩnh vực năng lượng để bảo đảm xăng dầu phải được bán với giá rẻ, và đặc biệt để trả lãi suất cho khoản nợ công được cho là đã tăng thêm 30% kể từ một năm nay.

Mất khả năng tiếp cận các thị trường vốn quốc tế, Chính phủ Ai Cập buộc phải tìm cách trang trải bằng cách vay các ngân hàng địa phương với tỉ lệ lãi suất rất cao. Để thoát khỏi thảm cảnh, Cairo chắc chắn sẽ phải nỗ lực nối lại đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau một thời gian dài bế tắc. Không dễ để IMF chấp nhận nếu Chính phủ không áp dụng hàng loạt biện pháp "cải cách đau đớn" vốn rất dễ gây mất lòng dân. Được lòng dân hay được lòng nhà cung cấp tín dụng quốc tế là một lựa chọn rất khó khăn đối với Cairo.

Tunisia cũng có chung nhiều nỗi đau với Ai Cập: các tài khoản ngoại tệ thâm hụt nặng nề, trợ cấp thái quá đối với nhiều lĩnh vực xã hội, hoạt động du lịch và đầu tư lao dốc không phanh. Dành 75% các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU, ngoài hệ lụy từ bất ổn chính trị, kinh tế Tunisia còn chịu hậu quả từ sự suy thoái của khu vực đồng euro, đặc biệt từ nhu cầu xuống mức tối thiểu của nhóm khách hàng truyền thống là các nước Địa Trung Hải.

Emmanuel Comolet, chuyên gia kinh tế của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) nhận định: "Trước hết, do thiếu nguồn đầu tư và một chính sách công nghiệp thực sự, Tunisia đã không thể cải thiện được chuỗi giá trị gia tăng". Nhưng khác với Ai Cập, bất chấp bất ổn chính trị và xung đột xã hội liên miên, Tunisia vẫn thoát khỏi suy thoái năm 2011 nhờ nông nghiệp và thị trường nội địa. Chỉ có điều tỉ lệ tăng trưởng 4% vẫn chưa đủ để giúp nước này khắc phục được các khó khăn mà sự thiếu ổn định về chính trị gây nên.


Một điểm khác nữa là tháng 6 vừa qua, Tunis đã có thể ký với IMF một kế hoạch viện trợ 1,7 tỷ USD thời hạn 3 năm, mục đích là hỗ trợ thời kỳ quá độ sau sự sụp đổ của Ben Ali. Đổi lại khoản viện trợ này, Tunis đã cam kết tiến hành một số cải cách, đặc biệt là tái cơ cấu các ngân hàng vốn dính nhiều nợ xấu của lĩnh vực du lịch, và xem xét lại hệ thống trợ cấp vốn quá tốn kém và bất bình đẳng.

Nhưng bất luận thế nào, các cải cách cần thiết ở Tunis, Tripoli hay Cairo chỉ có thể thực hiện được khi có được sự ổn định về chính trị.


TTK (theo Le Figaro)
Kịch bản nào cho Ai Cập?
Kịch bản nào cho Ai Cập?

Ai Cập đã chính thức rơi vào vòng xoáy bất ổn mới và đang hướng tới một cuộc nội chiến thực sự khi cảnh sát tấn công vào hai khu lán trại của những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi khiến 638 người thiệt mạng và hơn 4.000 bị thương từ ngày 14/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN