Tại Điện Biên, UBND tỉnh đã có Công điện 05/CÐ-UBND (ngày 10/6/2019) về việc tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo điều hành công tác phòng chống, dập dịch theo phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”, coi nhiệm vụ phòng chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
Các các sở, ngành, địa phương, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân để người dân nhận thức rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của bệnh dịch. Đồng thời, động viên người dân chủ động tham gia tích cực phòng, chống, khống chế dịch bệnh giảm thiểu tổn thất; tuyên truyền cho người dân đảm bảo chính xác, kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn.
Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo UBND các địa phương cần chủ động bố trí kinh phí và nguồn lực tổ chức triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức giám sát chặt chẽ việc phát hiện xử lý tiêu hủy lợn bệnh theo quy định; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh, các trường hợp kê khai không đúng số lượng, trọng lượng buộc phải tiêu hủy.
*Tại Kiên Giang: Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 20.000 lít hóa chất Benkocid để tiếp tục phòng chống, khống chế hiệu quả bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, từ khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp vào ngày 24/5/2019 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách ứng phó, phòng chống, khống chế dịch bệnh này theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp thẩm quyền.
Tuy nhiên, do bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng và thuốc để điều trị, tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khoảng 95% tổng đàn lợn của tỉnh nên an toàn sinh học rất hạn chế. Mặt khác, thời tiết đang vào mùa mưa, địa bàn tỉnh rộng, nhiều sông rạch, bờ biển dài gần 200 km, có đường biên giới bộ tiếp giáp với Campuchia khá dài nên việc vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bằng nhiều đường vào địa bàn tỉnh rất khó kiểm soát.
Tỉnh Kiên Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn trên tuyến biên giới bộ Hà Tiên - Giang Thành và vùng biển vào địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt phòng chống, ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố tập trung kiểm soát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để ứng phó kịp thời, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch...
* Tại Quảng Bình: Ngày 17/6, lãnh đạo xã Đức Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) cho biết, trên địa bàn đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Ổ dịch xảy ra trên đàn lợn rừng lai của hộ gia đình ông Đinh Thái Bình ở thôn 4 Đức Phú, xã Đức Hóa.
Hiện, UBND huyện Tuyên Hóa đã công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Đức Hóa; đồng thời khoanh vùng, lập các chốt kiểm dịch trên địa bàn các xã, thị trấn nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Ngày 16/6, UBND huyện Lệ Thủy cũng đã có văn bản công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy. Theo đó, UBND huyện Lệ Thủy yêu cầu các vùng có dịch tả lợn châu Phi tạm dừng các hoạt động mua bán lợn, các sản phẩm của lợn ra, vào vùng dịch. Các xã, thị trấn chưa xuất hiện dịch phải chủ động phòng dịch; giám sát chặt chẻ dịch bệnh gia súc để xử lý kịp thời nếu có.
Như vậy, hiện tại tỉnh Quảng Bình đã có 3 địa phương công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi là huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Lệ Thủy.
Đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan đến 57 tỉnh, thành phố của cả nước.