Các chủ nợ thống nhất lập trường về cứu trợ Hy Lạp

Ngày 20/2, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết các chủ nợ của Hy Lạp, gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU), đã nhất trí cử chuyên gia quay trở lại Athens để giải quyết vấn đề cứu trợ cho Hy Lạp.

Bộ trưởng Tài chính các nước thảo luận bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính nhóm Eurogrou nỗ lực tìm kiếm bước đột phá mới về vấn đề nợ của Hy Lạp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp trước đó cùng ngày với các bộ trưởng tài chính EU tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Schaeuble nêu rõ các thể chế cho vay đã thống nhất "lập trường chung" về việc cử nhóm chuyên gia kỹ thuật trở lại Athens. Ông Schaeuble đồng thời bày tỏ tin tưởng IMF sẽ tiếp tục tham gia gói cứu trợ cho Hy Lạp, bất chấp còn tồn tại những bất đồng với các quốc gia thành viên Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) về các vấn đề then chốt như xóa nợ và mục tiêu ngân sách.


Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijssebloem, người đứng đầu Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup), khẳng định việc cử chuyên gia trở lại Hy Lạp là một "bước đi phù hợp". Ông cũng cho biết Eurogroup đã có các cuộc gặp với các thể chế tài chính và chính phủ Hy Lạp nhằm mở đường cho việc thực hiện bước đi này.


Cuộc gặp của các bộ trưởng tài chính EU diễn ra trong bối cảnh IMF trước đó cảnh báo sẽ ngừng tham gia gói cứu trợ cho Hy Lạp, cho rằng khoản nợ của Athens quá lớn và IMF không thể tiếp tục giải ngân khoản vay nếu các chủ nợ không giảm nợ cho nước này. IMF đưa ra điều kiện yêu cầu các nước Eurozone cam kết giảm nợ thêm cho Hy Lạp trước khi giải ngân khoản cứu trợ mới. Theo IMF, ngay cả khi thực hiện đầy đủ các chương trình cải cách theo yêu cầu, Hy Lạp vẫn cần giảm nợ đáng kể để đạt được các mục tiêu tăng trưởng và ngân sách bền vững. Điều kiện này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và nhiều nước chủ nợ trong Eurozone.


Hiện Athens đang phải đối mặt với khoản nợ 7 tỷ euro (tương đương 7,4 tỷ USD) đáo hạn vào mùa Hè tới và Hy Lạp sẽ không thể thanh toán được số nợ này nếu các chủ nợ không hoàn tất việc xem xét để kích hoạt khoản giải ngân mới trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro.

TTXVN/Tin Tức
Năm lý do khiến khủng hoảng nợ Hy Lạp có nguy cơ trở lại
Năm lý do khiến khủng hoảng nợ Hy Lạp có nguy cơ trở lại

Sau khi sự kiện Vương quốc Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) trở thành tâm điểm chú ý vào năm ngoái, "bóng ma" Hy Lạp đã trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN