Cà phê hướng tới phát triển bền vững

Dù đứng thứ hai thế giới về sản lượng, ngành cà phê nước ta vẫn phải gánh chịu nhiều rủi ro như giá cả lên xuống thất thường, năng suất và chất lượng chưa cao, giá trị xuất khẩu thấp. Một hướng đi mới: Sản xuất theo hướng bền vững sẽ hạn chế những rủi ro trên và góp phần tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam.

Thu hoạch cà phê tại huyện Di Linh, Lâm Đồng.


Theo thống kê, cả nước hiện có 520.000 ha cà phê, trong đó các tỉnh Tây Nguyên chiếm 90% diện tích. Với sản lượng cà phê nhân hàng năm khoảng 1,1 triệu tấn, Việt Nam hiện đang đứng thứ hai trên thế giới về sản lượng cà phê (sau Brasil). Cà phê Việt Nam được bán sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, kết quả đó chưa xứng với tiềm năng và ngành cà phê còn nhiều yếu tố rủi ro.


Trước thực trạng trên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai mô hình "Sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận" tại 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kom Tum và Lâm Đồng. Mục đích của dự án nhằm giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác cà phê theo phương thức cũ chuyển sang canh tác cà phê theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cà phê. Theo đánh giá bước đầu, mô hình sản xuất này cho hiệu quả khá khả quan, góp phần phát triển ngành cà phê theo hướng bền vững.


Đến nay, đã có 300 ha cà phê được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo hướng bền vững với sự tham gia của 610 hộ nông dân. Diện tích cà phê này cho năng suất bình quân đạt 3,5 - 4,1 tấn nhân/ha. Toàn bộ sản lượng cà phê được cấp giấy chứng nhận đã bán với giá cao hơn từ 200 - 400 đồng/kg so với cà phê thường. Lợi nhuận thu được từ mô hình sản xuất cà phê bền vững tăng hơn so với sản xuất đại trà hơn 6,3 triệu đồng/ha (do giá bán cà phê cao hơn và chi phí vật tư phân bón giảm). Tham gia mô hình, các hộ nông dân đã nhận thức được việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện nghiêm túc quản lý, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định.


Ông Phạm Minh Tuấn, thôn Đăkr'Tăng, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, Đắk Nông có 3 ha cà phê. Là một trong những hộ có kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác cà phê tương đối khá, nhưng năng suất cà phê của gia đình ông cũng chỉ đạt 3 - 3,5 tấn cà phê nhân/ha. Năm 2013, ông Tuấn được dự án "Sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận" của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đắk Nông hỗ trợ kinh phí thực hiện 0,5 ha mô hình sản xuất cà phê bền vững. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, năng suất cà phê của gia đình ông đã tăng lên 4,5 tấn nhân/ha. Bên cạnh đó, giá bán cà phê cũng tăng từ 200 - 400 đồng/kg nhờ chất lượng tốt. “Ngoài hiệu quả kinh tế, cái được nữa mà gia đình tôi và nhiều nông dân khác nhận được chính là sự thay đổi tập quán canh tác theo hướng bền vững” - ông Tuấn cho biết.


Tại Đắk Nông, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã triển khai dự án tại xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức với sự tham gia của 60 hộ nông dân trong thời gian 9 tháng (từ tháng 4 - 12/2013). Cà phê được chăm sóc đúng quy trình nên phát triển tốt, tỷ lệ rụng quả giảm, hạt chắc hơn và có trọng lượng cao nên năng suất các vườn đạt khá. Năng suất trung bình của mô hình đạt 4,1 tấn/ha, với giá bán thời điểm hiện nay là 33.000 đồng/kg, người trồng thu về 123 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng hơn 72 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất đại trà từ 10 - 12 triệu đồng/ha.


Bà Nguyễn Thị Thoa, Phó trưởng phòng Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) khẳng định, mô hình canh tác cà phê bền vững đã thực sự đem lại hiệu quả cho người trồng cà phê. Việc bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình đã giảm được 15% tổng chi phí. Quan trọng hơn, tập quán canh tác của người dân đã thay đổi theo hướng khoa học hơn. Bên cạnh đó, canh tác cà phê theo hướng bền vững còn góp phần tạo điều kiện sống, điều kiện làm việc tốt cho nông dân. Người dân đã ý thức được việc thu hoạch cà phê đúng tiêu chuẩn là rất cần thiết, nhờ đó, chất lượng hạt cà phê được nâng cao. Canh tác cà phê bền vững còn giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón tồn dư trong môi trường, góp phần tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

 

Thành Trung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN