Nguyên nhân do thời tiết, thiếu nước, sâu bệnh... hoành hành. Vùng thiệt hại nặng nề nhất là các xã Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Lộc, Khánh Hải, Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây và thị trấn Trần Văn Thời thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Ông Lê Văn Sáu, nông dân xã Khánh Bình Đông cho biết, sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân (vụ 2) thấy nước từ ruộng còn nhiều nên ông và nông dân tổ chức sản xuất vụ 3. Một tháng đầu lúa phát triển tốt, nhưng sau đó bắt đầu xuất hiện sâu, bệnh, cộng với thiếu nước nên phần lớn diện tích lúa không phát triển, số còn lại khi lúa trổ bông thì bị chim ăn, chuột cắn nên coi như mất trắng.
Còn ông Nguyễn Văn Bé, xã Khánh Hải cho biết, trước đó chính quyền đã cảnh báo nông dân nên cẩn thận khi sản xuất lúa vụ 3 nhưng ông không nghe, giờ mới thấy là điều kiện ở đây không thích hợp với sản xuất lúa vụ 3.
Ông Nguyễn Trần Thức cho biết thêm, hiện nay nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được khoảng 420 ha vụ 3 nhưng năng suất rất thấp, bình quân chỉ đạt từ 2,5 - 3 tấn/ha.
Ngành nông nghiệp tỉnh không khuyến khích người dân sản xuất lúa vụ 3. Vùng nào phù hợp và có điều kiện thì sản xuất vụ 2, nên tập trung vào cánh đồng lớn với năng suất cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Diện tích trồng lúa của tỉnh Cà Mau hiện khoảng 100.000 ha, chủ yếu tập trung vùng ngọt hóa, bao gồm các huyện Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình, sản lượng mỗi năm từ 500.000 - 550.000 tấn, đủ cung cấp cho gần 1,3 triệu dân trong tỉnh, phần còn lại xuất khẩu nhưng số lượng không đáng kể.
Sắp tới tỉnh cũng không chủ trương mở rộng thêm diện tích mà chỉ điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng nơi nào sản xuất lúa không hiệu quả thì chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc nuôi trồng cây, con khác.