Lo đầu ra cho người trồng lúa vụ đông xuân

Bài cuối: Trăn trở về lợi nhuận cho người nông dân


Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, năng suất lúa được xếp vào nhóm cao của thế giới, nhưng người nông dân trồng lúa đa phần vẫn nghèo khó. Do đó, theo GSTS Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, phải tìm bài toán để đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.

Bấp bênh hạt lúa


Chiếm khoảng 50% sản lượng lúa của cả nước với gần 2 triệu ha đất canh tác, nhưng trình độ canh tác của người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn lạc hậu. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên chính người nông dân trở thành nhóm sản xuất dễ bị tổn thương. Do thiếu hệ thống bảo hiểm rủi ro, giao thông đi lại khó khăn, thiếu vốn, thiếu khả năng tiếp cận tín dụng… nên nhà nông sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất khi các yếu tố đầu vào tăng giá. Thậm chí, khi đầu ra tăng, người nông dân cũng không được hưởng lợi trọn vẹn, trong khi giá hạ họ lại là người lãnh đủ.

Thu hoạch lúa đông xuân 2013 tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Theo GSTS Bùi Chí Bửu, do kinh tế hợp tác tại ĐBSCL chưa phát triển đã dẫn đến thực trạng các nông hộ không kịp thời tiếp cận các thông tin thị trường và khả năng cạnh tranh cũng yếu và dễ phải chịu thua thiệt trong kinh tế thị trường. Mô hình liên kết 4 nhà ở vùng ĐBSCL chưa mang tính bền vững, quy mô nhỏ, giá trị sản phẩm nông sản còn thấp; trong đó nhiều mô hình liên kết sau một thời gian ngắn đều tan rã, ảnh hưởng đến tâm lý người nông dân. Hiện lợi nhuận của người nông dân chưa tương xứng với công sức lao động bỏ ra khi gần 50% nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt lúa, chỉ có thu nhập chưa tới 2 USD/ngày.


Mặc dù bình quân lương thực trên đầu người đạt cao, nhưng nghịch lý tồn tại dai dẳng là giá trị sản xuất trên từng thửa ruộng lại đạt thấp đã gián tiếp tác động không nhỏ đến thu nhập của bà con. Chính chất lượng hạt gạo chưa cao đã làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam. Khi người nông dân có tâm lý không mặn mà gia nhập vào những tổ chức làm ăn có quy mô thì khả năng tiếp cận thị trường và gia tăng lợi nhuận cũng bị giảm sút, ông Bửu nói thêm.

Tổ chức lại sản xuất


Tại Hội thảo rà soát cơ chế, chính sách đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL được tổ chức mới đây tại tỉnh Tiền Giang, các đại biểu cho rằng, sản xuất lúa gạo ở đây cần nhanh chóng chuyển hướng phát triển theo chiều sâu. Theo đó, trên cơ sở phát triển khoa học nông nghiệp, tiến bộ kỹ thuật mới… cần phát triển hướng đến mục tiêu nông nghiệp chất lượng cao với nông sản thỏa mãn yêu cầu có sức cạnh tranh cao. Sản xuất nông nghiệp phải trên cơ sở “trí thức hóa nông dân” với vai trò quan trọng của công tác khuyến nông, đặc biệt phải quyết tâm tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác hóa theo mô hình hiện đại, đa ngành. ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm cần phát huy được lợi thế của vùng châu thổ phì nhiêu để tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, công nghiệp và có qui mô đáp ứng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước…


Ở một góc độ khác, để giành được lợi thế, theo TS Võ Hùng Dũng - GĐ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, cần quan tâm đến việc tập trung hỗ trợ tín dụng cho nông dân và chú ý việc dự trữ đảm bảo an ninh lương thực. Ưu đãi về tín dụng sẽ giúp cho nhà nông có điều kiện trữ lúa chờ giá cao, tránh tình trạng phải bán gấp lúa để trả nợ sau thu hoạch. Riêng dự trữ lúa gạo trong nhiều năm qua phần lớn là dự trữ trên khâu lưu thông nên không đủ sức bình ổn thị trường và đảm bảo an ninh lương thực. Vì thế cần nhanh chóng có hệ thống dự trữ đủ lớn để đáp ứng cho yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực và nhằm tránh tốn kém, việc dự trữ sẽ được tính toán kỹ lưỡng và thực hiện theo khả năng tài chính, đảm bảo tính linh hoạt cho hoạt động kinh doanh lúa gạo.


Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN