Tuy nhiên, mấy tháng qua, giá bưởi da xanh liên tục giảm mạnh. Những ngày cận Tết, giá bưởi vẫn không tăng như những năm trước. Nhiều vườn bưởi đến kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái hay doanh nghiệp thu mua.
Ông Trương Kiều ở xã Giao Long, huyện Châu Thành, canh tác 1ha bưởi da xanh cho biết, từ đầu năm 2020, hạn mặn đã làm chết 70 gốc bưởi 13 năm tuổi đang cho trái. Hiện tại, khu vườn chỉ còn bưởi khoảng 5 năm tuổi. Vì vậy, sản lượng sụt giảm lớn.
Những năm trước mỗi lần thu hoạch được trên một tấn bưởi nhưng năm nay chỉ trên 200kg. Trong khi đó, giá bưởi bán quá thấp, từ rằm tháng 11 giá bưởi từ 17.000 đồng đến 20.000 đồng/kg nhưng đến nay chỉ còn từ 11.000 đến 13.000 đồng/kg, nhưng có lúc thương lái cũng không đến cắt.
Hầu hết nông dân trồng bưởi da xanh trong tỉnh Bến Tre đều gặp khó khăn do giá bưởi xuống thấp. Đáng lo ngại hơn là hiện bưởi đang đến kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái hay doanh nghiệp thu mua. Vì thế, lượng bưởi chín còn trên cây rất nhiều. Hơn nữa, trong thời gian này, thời tiết lạnh làm cho trái bưởi nhanh vàng, giá bán càng xuống thấp. Sản lượng giảm và nhất là giá bưởi quá thấp, tiền thu được không đủ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công tác chăm sóc.
Vừa trồng bưởi vừa làm thương lái gom bưởi ở trong xã, ông Phạm Hữu Khải, xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre cho biết, thời điểm này mọi năm đi thu mua bưởi tại vườn giá từ 40.000 đồng/kg trở lên, giá bưởi loại 1 bán ngoài chợ có giá 70.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, thì giá giảm hơn 50%, bưởi đem ra chợ bán giá loại 1 thời điểm giáp tết cũng chỉ có 40.000 đồng/kg. "Giá bưởi thấp nên nhà vườn nào cũng lắc đầu than lỗ, không đủ mua phân, thuốc", ông Khải cho hay.
Ngoài các yếu tố khách quan, nguyên nhân chính xảy ra tình trạng "được mùa mất giá" là do "cung vượt cầu", xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Do đó, không chỉ nông dân gặp khó mà các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua bưởi cũng gặp rất nhiều khó khăn do phải thu mua bưởi tại các vườn đã hợp đồng, nhưng sau khi sơ chế, bán ra với giá thấp, thậm chí bán không được dẫn đến thua lỗ.
Hợp tác xã bưởi da xanh Giao Long, huyện Châu Thành dịp tết mỗi năm thu mua của các xã viên từ 60 tấn - 80 tấn, xuất đi các tỉnh từ Nam ra Bắc. Nhưng năm nay, mặc dù lượng hàng nhiều nhưng mới thu mua được 20 tấn, do dịch bệnh đầu ra đi các tỉnh khó khăn nên chỉ bán tại chỗ. "Tất cả các mối mua bán, làm ăn đều kém. Chúng tôi cố gắng bao tiêu sản phẩm thu mua về nhưng thu mua về thì bán tháo bán đổ, dẫn đến bị lỗ", bà Cao Thị Triêm, Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh Giao Long cho biết.
Bà Triêm cho biết thêm, giá bưởi thời điểm tết năm nay chỉ bằng 50% giá bưởi cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm này năm ngoái, giá bưởi thu mua tại vườn khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg trong khi năm nay bưởi tròn, đẹp, có cuống giá cũng chỉ 30.000 đồng/kg. Khả năng vài ngày nữa , bưởi mới nhích lên khoảng 40.000 đồng/kg. Giá bưởi này này khiến nhà vườn rất khó khăn.
Người trồng bưởi trông chờ những ngày cận Tết, giá bưởi sẽ khởi sắc hơn để kiếm thêm đồng lời, nhưng với tình trạng dịch COVID-19 quay trở lại đã dập tắt niềm hi vọng của người trồng bưởi da xanh ở Bến Tre về khả năng giá bưởi tăng trong dịp Tết.
Bến Tre hiện có khoảng 8.000ha diện tích trồng bưởi da xanh. Đây là một trong các loại cây ăn quả đặc sản chủ lực của tỉnh. Bưởi da xanh được trồng tập trung ở các huyện Châu Thành, thành phố Bến Tre, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách.