Bưởi da xanh - trái cây ngon ngày Tết

Bưởi da xanh Bến Tre là loại trái cây ngon nổi tiếng cả nước. Đây cũng là loại cây đã giúp nhiều người dân Bến Tre làm giàu.

Đối với người Bến Tre, bưởi da xanh là loại trái cây quý, thường dùng làm quà biếu vào các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, đây là loại quả không thể thiếu trong mâm trái cây trưng Tết của người Nam bộ.

Để trả lời cho câu hỏi nguồn gốc của cây bưởi da xanh, đến nay người ta chỉ có thể nói bưởi da xanh xuất phát từ Bến Tre. Nhiều người cho rằng, người đầu tiên trồng giống bưởi này là ông Trần Văn Luông (Sáu Luông), sinh năm 1905, mất năm 1979, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

Qua lời kể của các con ông Sáu Luông, khoảng năm 1940, ông Sáu Luông đi dự đám giỗ, ăn được giống bưởi ngon, trái bưởi chỉ có 3 hạt nên ông mang về trồng. Thấy giống bưởi ngon, bà Ba Thời (cháu gái ông Sáu Luông), xã Mỹ Thạnh An (thành phố Bến Tre) chiết nhánh đem về cho cha là ông Trần Văn Ẩn (Ba Ẩn) trồng vào năm 1958.

Năm 1981, ông Bùi Thiện Mỹ (Năm Mỹ), xã Mỹ Thạnh An, là con rể ông Ba Ẩn cũng đến vườn bưởi ông Sáu Luông xin chiết nhánh về trồng.

Nhận thấy giống bưởi ngon, năm 1996, ông Năm Mỹ đem trái bưởi da xanh dự thi ở Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và đoạt giải nhì, từ đó trái bưởi da xanh được nhiều người biết đến và nổi tiếng khắp cả nước.

Từ cây bưởi ngon của nhà ông Sáu Luông được nhiều người trong gia đình mang về trồng, xã Mỹ Thạnh An là địa phương đầu tiên trồng nhiều của tỉnh Bến Tre và được nhân rộng ra các nơi khác trong tỉnh. Đến nay cây bưởi da xanh được trồng khắp nơi trên cả nước. Tuy nhiên Bến Tre vẫn là vùng đất cho ra trái bưởi đạt chất lượng ngon nhất.

Theo lão nông Phạm Văn Tám (65 tuổi), xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, bưởi da xanh có vị chua nhẹ, không the, ngọt đậm hấp dẫn vị giác, vỏ ngoài có màu xanh đặc trưng, ruột bưởi đỏ hồng bắt mắt, có ít hoặc không có hạt, giá trị dinh dưỡng cao cho sức khỏe. Khi chín, vỏ trái có màu xanh đến xanh hơi vàng, dễ bóc và khá mỏng; tép bưởi màu hồng đỏ, bó chặt, dễ tách, mùi thơm.

Ông Tám chia sẻ, trái bưởi da xanh sử dụng được hết từ vỏ cho đến ruột. Đặc biệt, đối với người Bến Tre, bưởi da xanh vẫn là loại trái cây quý, thường dùng làm quà biếu vào các dịp lễ, Tết. Trái bưởi được trưng bàn thờ cúng ngày Tết cùng các loại trái cây khác với mong muốn cầu bình an trong Năm mới.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, vùng đất phát triển tốt cho cây bưởi da xanh Bến Tre nằm trọn trên ba dải cù lao là cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh. Vùng đất phù sa bồi đắp bởi các nhánh sông cuối nguồn của sông Cửu Long và khí hậu nơi đây đã tạo nên hương vị đặc thù của bưởi da xanh Bến Tre.

Ngoài ra, kinh nghiệm được tích lũy lâu đời của những người dân địa phương từ việc nhân giống, chọn đất thiết kế vườn, lên liếp đến áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất cũng góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của bưởi da xanh Bến Tre.

Ông Đào Văn Minh, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho hay, cây bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, với 8.000 m2 vườn bưởi, giúp gia đình ông thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Có thời điểm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, giá bưởi ở mức trên 50.000 đồng/kg, giúp gia đình ông Minh có nguồn thu rất lớn.

Theo ông Minh, nhờ áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP nên vườn bưởi cho năng suất cao, chất lượng.

Để giảm sâu bệnh, đảm bảo chất lượng trái bưởi thương phẩm, ông Minh sử dụng xông đèn về đêm xua đuổi bướm, thả kiến vàng vào vườn cây và dùng vòi phun tưới vào cành cây, thân cây “làm sạch” sâu bệnh. Nhờ vậy, trái bưởi “sạch” của khu vườn gia đình ông Minh được các doanh nghiệp, hợp tác xã chọn mua bao tiêu sản phẩm.

Ông Đàm Văn Hưng, Giám đốc Công ty Hương Miền Tây, chuyên xuất khẩu bưởi da xanh cho biết, so với các loại bưởi khác trên thế giới, bưởi da xanh ngày càng được thị trường thế giới ưa chuộng. Mỗi năm công ty xuất bán ra thị trường trong nước từ 12.000-13.000 tấn, xuất khẩu từ 2.000-3.000 tấn/năm.

Ông Hưng cho hay, trái bưởi da xanh không chỉ là món ăn ngon và bổ dưỡng mà còn được xem là bài thuốc phòng và trị bệnh do thành phần dinh dưỡng chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất vi lượng… nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Hưng chia sẻ, hiện nay Công ty  Hương Miền Tây liên kết với hơn 30 hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP với hơn 300 ha, sản lượng hơn 3.000 tấn/năm, từng bước xây dựng chuỗi giá trị và xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hiện nay diện tích trồng bưởi da xanh toàn tỉnh hơn 8.000 ha, chiếm 25% diện tích cây ăn trái; trong đó diện tích đã và đang cho trái hơn 5.000 ha, năng suất 11,4 tấn/ha, sản lượng 57.000 tấn/năm. Vùng trồng bưởi tập trung ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Chợ Lách và thành phố Bến Tre...

Theo thống kê, diện tích bưởi da xanh từ 4.400 ha năm 2010, đến nay tăng hơn 60% và đây được xem là một trong những cây trồng làm giàu cho nông dân vì năng suất cao, giá cao, ổn định.  Hiệu quả kinh tế từ cây bưởi da xanh mang lại vượt trội so với các loại cây trồng khác, bình quân cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ra, người nông dân chủ động, nắm vững áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất  và liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Mặt khác, trong các loại cây ăn quả được xem là đặc sản, có chất lượng cao của tỉnh Bến Tre thì bưởi da xanh là loại quả thuộc nhóm có tiềm năng và có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Bưởi da xanh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, cây bưởi da xanh được trồng tại Bến Tre có hàm lượng Vitamin C, độ Bix (độ ngọt), các khoáng chất… cao hơn bưởi da xanh trồng ở các nơi khác.

Qua đánh giá, bưởi da xanh nằm trong tốp 5 giống bưởi hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, cây bưởi da xanh Bến Tre đạt Chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là điều kiện quan trọng để đưa cây bưởi da xanh ngày càng phát triển.

Trong thời gian tới, các ngành chức năng địa phương tiếp tục hoàn thiện xây dựng nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc nhằm bảo hộ, quản lý sản phẩm bưởi da xanh, giữ vững danh tiếng và tăng năng lực cạnh tranh trái bưởi trên thị trường. Ngoài ra, việc tổ chức liên kết sản xuất sẽ giúp người nông dân hình thành những vùng sản xuất để quản lý tốt về mặt kỹ thuật, canh tác, có giải pháp phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
Xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Mai Sơn  
Xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Mai Sơn  

Người tiêu dùng ở Sơn La trước đây vẫn chỉ biết đến bưởi da xanh từ các tỉnh miền Nam chuyển ra, thì nay họ đã được thưởng thức sản phẩm này ngay tại chính quê mình với chất lượng không kém so với nơi khác, đó là bưởi da xanh Mai Sơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN