Bộ phát triển, công nghiệp và ngoại thương Brazil ngày 5/1 thông báo năm ngoái nước này bị nhập siêu 3,93 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2000 nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới này bị thâm hụt thương mại.Đây cũng là mức nhập siêu lớn nhất kể từ năm 1998, khi Brazil bị thâm hụt hơn 6,6 tỷ USD trong trao đổi ngoại thương.
Quốc vụ khanh Godinho thông báo kết quả hoạt động ngoại thương của Brazil năm 2014. Ảnh: MDIC |
Năm ngoái xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này đạt 225,101 tỷ USD, trong khi nhập khẩu ở mức 229,031 tỷ USD, giảm tương ứng 7% và 4,4% so với năm 2013.
Trước đó, các chuyên gia dự báo Brazil bị nhập siêu, tuy nhiên mức thâm hụt cao hơn dự đoán. Theo Quốc vụ khanh ngoại thương Brazil Daniel Marteleto Godinho, nguyên nhân của tình trạng nhập siêu là giá nguyên liệu xuất khẩu- trong đó có quặng sắt- giảm sâu, và bối cảnh quốc tế bất lợi, trong đó phải kể đến sự suy giảm kinh tế của Argentina, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Brazil.
Ngoài ra, chi phí nhập nhiên liệu tăng cũng góp phần gây nên tình trạng trên. Theo ông Godinho, việc giá bình quân quặng sắt giảm 47% trong năm 2014, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, khiến Brazil bị thiệt hại tới 8 tỷ USD.
Năm ngoái Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Brazil, xếp trên Mỹ, Argentina. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 11,8% so với năm 2013, và sang Argentina giảm tới 27,2%.
Năm 2013, Brazil xuất siêu 2,56 tỷ USD, mức thấp nhất trong hơn một thập niên. Chính phủ Brazil dự kiến trong năm nay sẽ trở lại xuất siêu, do nhập siêu nhiên liệu giảm nhờ giá dầu lao dốc trên thị trường thế giới, tăng xuất khẩu sang Mỹ do kinh tế nước này phục hồi mạnh hơn, và sản lượng ngũ cốc, các loại đậu và hạt cho dầu của Brazil dự kiến sẽ đạt kỷ lục và lần đầu tiên vượt mốc 200 triệu tấn.
Tuy nhiên, ông Godinho cũng chỉ ra các thách thức lớn đối với Brazil trong nỗ lực trở lại xuất siêu trong năm nay, như giá nguyên liệu xuất khẩu tiếp tục giảm và kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)