Bỏ qua cảnh báo để kinh doanh tiền ảo

Trong thời gian qua, việc kinh doanh tiền điện tử (tiền ảo) dưới nhiều tên gọi khác nhau như Onecoin, Bitcoin, Ilcoin... vẫn tồn tại trên thị trường Việt Nam. Điều đáng nói, mặc dù đã có nhiều lời khuyến cáo, cảnh báo từ các cơ quan chức năng, nhiều người vẫn tham gia kinh doanh tiền ảo.

Bỏ tiền thật để mua lợi nhuận ảo

Nói về “cơ duyên” đến với việc tham gia kinh doanh tiền Onecoin, chị Nguyễn Thị Minh cho biết: “Sau khi nghỉ việc tại một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực game, tôi đã mất một thời gian tìm hiểu cách làm giàu hiện nay, trong đó có nghề kinh doanh tiền ảo. Tôi đã đầu tư hơn nửa tỷ đồng để tham gia gói “mẹ bồng con”. Với gói này, chỉ hơn hai tháng, hiện tiền ảo của tôi đang sinh sôi có giá trị gần 1 tỷ đồng”, chị Minh hớn hở khoe.

Điều đáng nói, cũng giống như chị Minh, hiện có rất nhiều người lao vào kinh doanh đồng tiền ảo này một cách say mê, thậm chí họ còn lập ra hội, câu lạc bộ, góp tiền mở quán cà phê để có thể cùng nhau chia sẻ thông tin, lôi kéo thêm nhiều người tham gia. Các loại tiền ảo như Bitcoin, Onecoin là một loại tiền kĩ thuật số dựa trên các thuật toán phức tạp. Trong đó, Onecoin xuất hiện đầu tiên tại châu Âu vào tháng 1/2015 và rất nhanh chóng chỉ một thời gian ngắn sau đó đã có mặt tại Việt Nam.

Tiền ảo thu hút người đầu tư vì được quảng cáo có khả năng sinh lời cao. Giá Onecoin được quảng cáo sẽ tăng từ mức dưới 1 euro/coin hiện nay lên 50 - 100 USD/coin trong vài ba năm tới, nên nhà đầu tư sẽ lãi “khủng” khi đầu tư.

Rủi ro quá lớn


Với kỳ vọng lợi nhuận tăng nhanh như vậy, nên nhiều người đã rút hết tiền tiết kiệm, thậm chí vay tiền để tham gia. Thế nhưng, theo TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, do tiền ảo được xây dựng trên nền tảng kĩ thuật số nên sẽ có nhiều rủi ro. Thứ nhất, khi xảy ra các vấn đề như tranh chấp, bị hacker xâm nhập, chiếm tài khoản, sẽ không có cơ quan nào giải quyết được. Thứ 2, tỷ giá của đồng tiền điện tử lên xuống thất thường, không có sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên nhà đầu tư sẽ dễ gặp rủi ro về tỷ giá. Thứ 3, giá trị đồng tiền ảo do cá nhân sáng lập ra đồng tiền chi phối nên kinh doanh tiền ảo giống như cuộc chơi của nhà cái, vừa đá bóng vừa thổi còi. Hoạt động đến thời điểm nào đó, "nhà cái" đánh sập mạng, các nhà đầu tư sẽ trắng tay không khác gì rủi ro đã xảy ra ở các sàn vàng ảo. Trong khi đó, hiện Bộ luật Hình sự Việt Nam chưa có quy định về tội danh mua bán tiền điện tử nên việc xử lý vi phạm hiện mới chỉ dừng ở các chế tài xử lý hành chính.

Trên thực tế, đã có nhiều báo, đài đã đăng tải về rủi ro của việc kinh doanh các đồng tiền ảo này, nhưng nhiều người vẫn bỏ qua lời cảnh báo để tiếp tục tham gia. Theo lập luận của những người chơi, tuy pháp luật tại Việt Nam chưa cho phép nhưng tại một số nước họ đã chấp nhận đồng tiền ảo này, mới đây nhất là Nhật Bản. Tuy nhiên, theo TS Bùi Quang Tín cần có quy định để quản lý hình thức kinh doanh đầy rủi ro này. Cụ thể, theo qui định trong Luật NHNN Việt Nam năm 2010 thì NHNN là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại. Tiền giấy, tiền kim loại do NHNN phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Việt Nam.

“Có thể thấy, đối với những trường hợp kinh doanh tiền ảo xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian qua, với nhiều thủ đoạn, hình thức chiêu dụ để lôi kéo người khác tham gia vào ngày càng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có văn bản pháp luật nào để xác định kinh doanh tiền ảo là cấm hay không cấm mà chỉ có khuyến cáo từ NHNN Việt Nam cho người dân là chưa đủ và pháp luật cũng sẽ không bảo vệ những trường hợp kinh doanh tiền ảo nếu để xảy ra tranh chấp. Do đó, các cơ quan chức năng cần ban hành các quy định pháp lý chặt chẽ hơn và có tính răn đe thật mạnh để hình thức kinh doanh đầy rủi ro này không tồn tại được”, TS Tín nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia tài chính cũng khuyến cáo người dân không thể ngộ nhận Onecoin, Ilcoin là tiền, dù là “tiền ảo”, bởi đây chỉ là một mánh khóe tung hỏa mù, chủ ý dẫn dụ người chơi vào bẫy “kinh doanh tiền ảo” đa cấp, bất hợp pháp và đầy rủi ro. Chị Nguyễn Oanh, một trong những người tham gia tiền ảo thừa nhận: “Khó có thể lấy được tiền thật từ tiền ảo. Vì thế, tôi chỉ tham gia với gói thấp nhất là 16 triệu đồng để thử vận may của mình. Tôi cũng đã xác định, số tiền đó có thể sẽ mất bởi quá nhiều rủi ro”.
Hải Yên
Cảnh giác với giao dịch "tiền ảo" trên các website thương mại điện tử
Cảnh giác với giao dịch "tiền ảo" trên các website thương mại điện tử

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) vừa có khuyến cáo người tiêu dùng và các nhà đầu tư nên thận trọng khi tham gia mua bán “tiền ảo” hay sử dụng để thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử, tránh các rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN