Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng tại buổi họp báo về Đề án tái cơ cấu và thông báo tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) 2010 vào chiều ngày 19/11 tại Hà Nội đã khẳng định: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 2018/QĐ-TTg (ngày 18/11/2010) về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin, Bộ GTVT được giao trực tiếp chủ trì tổ chức thực hiện, thẩm định, điều hành các phương án, dự án tái cơ cấu và phát triển của Vinashin trong thời gian tới. Khác với trước đây, Bộ GTVT chỉ đóng vai trò góp ý kiến, không trực tiếp điều hành. Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Vinashin đã khẳng định với báo chí: Tất cả các khoản nợ vay hiện nay do Vinashin vay thì chính Vinashin sẽ trả sau tái cơ cấu, không có đơn vị nào trả hộ. Các khoản nợ đối tác trong và ngoài nước đến hạn phải trả đều đã được Vinashin lên phương án đàm phán trả theo lộ trình cam kết với các đối tác.
Hạ thuỷ an toàn tàu chở 4.900 ô tô thứ hai mang tên HL02 - VIOLET ACEdo Công ty đóng tàu Hạ Long, Tập đoàn Vinashin thực hiện hợp đồng đóng mới cho chủ tàu là Công vận tải Ray Shipping (Ixraen). Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN |
Theo Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, Vinashin sẽ tiếp tục duy trì, củng cố, ổn định và phát triển ngành cơ khí đóng tàu, tập trung vào 3 lĩnh vực: Đóng mới và sửa chữa tàu thủy, phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, Vinashin sẽ tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, có lãi và trích khấu hao hàng năm từng bước trả được nợ để lấy lại uy tín, thương hiệu của Vinashin. Việc tổ chức, sắp xếp các doanh nghiệp của Vinashin được thực hiện theo lộ trình phù hợp với hoàn cảnh và tình hình thực tế của từng loại hình doanh nghiệp, nhằm thu hồi vốn để trả nợ, hạn chế thấp nhất thiệt hại vốn và tài sản của Nhà nước, tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Vinashin. Cơ cấu tổ chức của Vinashin sau tái cơ cấu đảm bảo tập trung, chuyên môn hóa cao, có năng lực đóng sửa chữa tàu, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Riêng ngành công nghiệp phụ trợ phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu được 50% vào năm 2015; hệ thống các doanh nghiệp đóng tàu sẽ được phát triển, phân bố đều giữa các vùng miền trong cả nước.
Nguyễn Tiến