Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thống nhất ủng hộ cho một doanh nghiệp đầu tư dự án sân bay chuyên dụng Lộc An nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không phục vụ cho khu du lịch giải trí phức hợp Hồ Tràm. Thứ trưởng cho biết, quan điểm của Bộ về đề xuất của địa phương này như thế nào?
Theo Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có một cảng hàng không là Cảng hàng không Côn Đảo. Như vậy, sân bay Lộc An (Hồ Tràm) không nằm trong mạng Cảng hàng không toàn quốc theo Quyết định số 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: “Sân bay chỉ phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu kiện mà không vận chuyển công cộng là sân bay chuyên dùng”. Do đó, sân bay Lộc An có thể mở là sân bay chuyên dùng để phục vụ mục đích bay không thường lệ (không vận chuyển công cộng) phục vụ cho khu du lịch giải trí phức hợp Hồ Tràm.
Về thẩm quyền quyết định việc mở, đóng sân bay chuyên dùng và quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải được quy định trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam: “Bộ Quốc phòng quyết định việc mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải”. Như vậy, nếu sân bay chuyên dùng Lộc An có tiềm năng và nhu cầu thực hiện các chuyến bay không thường lệ phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ đề xuất và đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với Bộ Quốc phòng về việc phê duyệt quy hoạch sân bay chuyên dùng Lộc An làm cơ sở để địa phương, nhà đầu tư triển khai đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ giao Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng trong quá trình thẩm định việc mở sân bay Lộc An.
Hiện tại, ngoài Các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng... thì nhiều sân bay hoạt động chưa hết công suất, thậm chí không hiệu quả, trong khi đó nhiều tỉnh lại đề xuất xây dựng sân bay tại địa phương. Vậy những đề xuất này có làm phá vỡ quy hoạch xây dựng sân bay đã được Chính phủ phê duyệt hay không?
Khi đánh giá đến hiệu quả khai thác các Cảng hàng không phải tính đến hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội. Ở một số khu vực trọng điểm, có các Cảng hàng không gần nhau nhưng mục đích chính quy hoạch các Cảng hàng không này không phải để khai thác các đường bay nội vùng, mà nhằm mục đích mở rộng, phát triển thị trường liên vùng.
Các Cảng hàng không như Vinh, Đồng Hới, Thọ Xuân, Tuy Hòa, Phù Cát, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo, khi quy hoạch và đầu tư xây dựng cũng đã có nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả. Tuy nhiên, qua thực tế khai thác, sản lượng các Cảng hàng không này đã có sự tăng trưởng thực sự ấn tượng (trung bình 15-20%/năm) và các Cảng hàng không này đã có đóng góp không nhỏ vào việc thu hút đầu tư, giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như sự phát triển chung về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của các địa phương.
Hiện tại cũng có một vài Cảng hàng không mặc dù chưa đạt được hiệu quả kinh doanh về mặt tài chính nhưng việc duy trì và phát triển các Cảng hàng không tại các địa phương là hết sức cần thiết vì sự phát triển kinh tế chung, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.
Ngoài ra, hiệu quả tài chính của Cảng hàng không cần được đánh giá bởi hai đầu cảng đi và đến nên mặc dù một vài Cảng hàng không chưa đạt hiệu quả tài chính nhưng đã đóng góp cho các Cảng hàng không đầu mối chung chuyển như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng... Do đó, thực tế trên bình diện tổng thể thì toàn bộ mạng Cảng hàng không đang hoạt động có lãi và hàng năm đã đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước.
Về đề xuất xây dựng Cảng hàng không tại một số địa phương, theo Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 236/QĐ-TTg, giai đoạn đến năm 2020 Việt Nam có 10 Cảng hàng không quốc tế và 13 Cảng hàng không nội địa, giai đoạn đến năm 2030 Việt Nam có 13 Cảng hàng không quốc tế và 15 Cảng hàng không nội địa.
Như vậy, ngoài việc đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, triển khai đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, từ nay đến những năm sau năm 2020 chúng ta sẽ nghiên cứu, chuẩn bị, đầu tư xây dựng 5 Cảng hàng không mới gồm: Phan Thiết, Sơn La, Sapa, Quảng Trị và Lai Châu.
Việc các địa phương có 5 sân bay nêu trên đề xuất nghiên cứu đầu tư là không trái với Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, thời điểm đầu tư Cảng hàng không sẽ được nghiên cứu, phân tích kỹ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với từng Cảng hàng không.
Việc địa phương đề xuất xây dựng Cảng hàng không mà không nằm trong quy hoạch mạng Cảng hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg thì Bộ Giao thông Vận tải không thể xem xét việc đầu tư. Trường hợp địa phương đề xuất xây dựng sân bay chuyên dùng thì thẩm quyền xem xét thuộc Bộ Quốc phòng.
Liên quan đến vấn đề chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét lại cách điều hành giá vé hàng không trong thời gian qua, không để điều chỉnh giá vé trong lúc người dân đi lại nhiều và đưa nội dung điều chỉnh giá vé hàng không, vé xe bus vào phương án kiểm soát giá của Bộ. Vậy, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đưa ra phương án kiểm soát giá vé hàng không như thế nào theo yêu cầu của Phó Thủ tướng?
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Điều hành giá ngày 10/7/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải xem xét lại cách điều hành giá vé hàng không trong thời gian qua, không để điều chỉnh giá vé trong lúc người dân đi lại nhiều và đưa nội dung điều chỉnh giá vé hàng không, vé xe bus vào phương án kiểm soát giá của Bộ.
Về vấn đề này, ngay sau cuộc họp Ban Chỉ đạo Điều hành giá do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai các giải pháp liên quan đến việc bình ổn giá ngành Giao thông Vận tải nói chung và giá dịch vụ vận chuyển hàng không nói riêng.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã kiện toàn Tổ công tác về quản lý và bình ổn giá của Bộ có nhiệm vụ đánh giá, phân tích những thay đổi đối với giá ngành giao thông vận tải để có đề xuất điều chỉnh phương án giá cho phù hợp; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về giá để điều chỉnh lại quy định quản lý giá, kê khai giá giữa Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và địa phương.
Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính để nắm bắt các thông tin điều chỉnh giá cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng, ghế ngồi mềm; phối hợp với các địa phương nắm bắt các thông tin điều chỉnh cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, cước vận tải hành khách bằng taxi; cũng như phối hợp với Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cách đánh giá tác động đối với chỉ số giá tiêu dùng nhằm thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm 2018.
Ngoài các giải pháp nêu trên, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đã có chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không của các hãng hàng không theo quy định của pháp luật; kịp thời ban hành khuyến cáo với các hãng hàng không về việc điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển, các khoản phụ thu nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của hành khách và các hãng hàng không.
Cùng với đó Bộ Giao thông Vận tải cũng đang xây dựng Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa, dự kiến ban hành trong năm 2018, theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hành khách và hãng hàng không, phù hợp với thị trường và ổn định giá./.
Xin cám ơn Thứ trưởng!