Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu khẳng định, tỉnh ủng hộ chủ trương cho Công ty Hồ Tràm xây dựng sân bay chuyên dùng để góp phần phát triển chung cho dự án du lịch.
Tuy nhiên, việc xây sân bay không có trong kế hoạch ban đầu khi Hồ Tràm bắt đầu triển khai dự án ở tỉnh, nên đến nay tỉnh vẫn chưa có một công văn nào đồng ý về mặt vị trí, toạ độ của sân bay.
Khi Công ty đề xuất, tỉnh đã rất tích cực hỗ trợ, báo cáo Chính phủ, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu vực này…Việc cho rằng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu “làm khó” Hồ Tràm là không có cơ sở.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Trình cho biết thêm, đến nay các vị trí Công ty Hồ Tràm đề xuất đều do phía Công ty thuê tư vấn thiết kế, khảo sát vị trí đề xuất với tỉnh. Công ty muốn được tỉnh giao khu đất rộng hơn 244,3 ha thuộc địa phận hai xã Láng Dài và Lộc An (huyện Đất Đỏ).
Nhưng mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã thống nhất đề nghị hướng dẫn Công ty Hồ Tràm chọn một vị trí khác phù hợp hơn. Bởi vị trí đất phải thu hồi rất lớn, quá gần khu xử lý rác thải Green HC đang triển khai, đất ở đây chủ yếu là đất trồng cây lâu năm của người dân. Nếu thu hồi một diện tích lớn như vậy người dân sẽ không có đất sản xuất…
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng, vị trí xây dựng sân bay của Hồ Tràm cần phải phù hợp với định hướng phát triển, an ninh quốc phòng của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người dân địa phương ở khu vực có đất phải thu hồi. Việc này tỉnh cũng đã báo cáo với Chính phủ.
Hiện nay, mạng sân bay chuyên dùng chưa được thiết lập. Tuy nhiên, với hoạt động hàng không chung có thể dự báo một số tuyến kết nối từ Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch lớn như: Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc... đến Lộc An và ngược lại.
Ngoài tuyến bay nội địa, dự kiến sẽ mở một số tuyến đường bay quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các chuyến bay thuê chuyến quốc tế đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để giảm thiểu thời gian đi lại và chi phí của hành khách quốc tế.
Dự kiến sẽ mở các tuyến như tuyến đường bay khu vực Đông Bắc Á từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Tiếp theo, có thể khai thác các tuyến bay từ khu vực Đông Nam Á đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Dự báo các loại máy bay có thể khai thác như máy bay A319, A320, A321, B737max… và tương đương, máy bay nhỏ khai thác hàng không chung như ATR72, King Air, CASA-212, CASA-295, trực thăng EC 225… Quy mô Công ty Hồ Tràm triển khai Dự án Cảng hàng không cấp 4C, Sân bay quân sự cấp II, dự báo chức năng sân bay nội địa đón được các chuyến bay charter quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu xây sân bay của Hồ Tràm, tỉnh đã giới thiệu một vị trí đất khác cho công ty này, có diện tích rộng 253 ha cũng tại xã Lộc An, là đất rừng phòng hộ tách ra giao lại cho Nhà nước quản lý. Vị trí này đường băng sẽ dài 2.700 m (so với yêu cầu của Hồ Tràm là 2.400 m) và cũng rất thuận lợi về mặt giao thông dù nền đất thấp.
Đại diện Công ty Hồ Tràm cho biết, việc xây sân bay là rất cần thiết để phát triển hơn nữa khu du lịch của Hồ Tràm. Đây là sân bay chuyên dùng nhưng nếu sau này tỉnh cần để đáp ứng nhu cầu về dân sự, quân sự, Hồ Tràm cũng sẽ đồng ý.
Vị trí mà công ty đề xuất xin xây sân bay trên cơ sở khảo sát, đo vẽ của đơn vị thiết kế là do Công ty ADCC đưa ra. Vị trí này có đường băng phù hợp, hai đầu đủ diện tích để xây dựng các hạng mục khác, cất và hạ cánh không bị vướng núi. Công ty cũng đã khảo sát đời sống người dân trong vùng dự án và sẵn sàng hỗ trợ để di dời, đảm bảo an sinh xã hội.
Việc sân bay ở sát khu xử lý rác thải cũng đã được tính toán và khẳng định là không ảnh hưởng. Đơn vị thiết kế cũng chỉ ra nếu ở vị trí mà tỉnh đề xuất sẽ rất khó cho việc xây dựng sân bay do vướng núi, chiều dài không đủ, nền đất yếu, phải lấp sông…
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, các sở ngành cũng vẫn khẳng định tỉnh cũng chưa tìm thêm được vị trí đất nào khác để đưa ra ngoài vị trí đã đề xuất cho Hồ Tràm. Cơ sở để Hồ Tràm “bác” vị trí mà tỉnh đưa ra chưa thuyết phục, cần tính toán, điều chỉnh và thuyết trình lại.
Cuối buổi làm việc, phía Công ty Hồ Tràm đã đồng ý sẽ khảo sát lại vị trí mà tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã giới thiệu. Công ty sẽ báo cáo lại tỉnh trong thời gian sớm nhất.