Đây là hướng dẫn nhằm đảm bảo tính chủ động, thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp về phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương khi áp dụng các cấp độ phòng, chống dịch khác nhau theo quy định của pháp luật và Chỉ thị số 16/CT-TTg, các văn bản chỉ đạo khác của cấp có thẩm quyền.
Phạm vi của hướng dẫn áp dụng đối với hoạt động vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia, người đi ra, vào hoặc đi qua vùng có dịch. Đối với hoạt động vận chuyển thi hài trong vùng có dịch, hoặc từ vùng có dịch ra các địa phương khác và ngược lại để hỏa táng hoặc an táng đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nội dung của hướng dẫn bao gồm: các phương án tổ chức giao thông và công tác kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải trong thời gian phòng, chống dịch; xây dựng phương án tổ chức giao thông, nguyên tắc phân luồng, phân tuyến phương tiện đi vòng tránh qua các địa phương, khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội.
Việc lựa chọn vị trí chốt kiểm soát dịch COVID-19 để đảm bảo sự thông thoáng, an toàn, thuận lợi cho việc kiểm tra phương tiện, tránh chồng chéo, gây ùn tắc giao thông; hướng dẫn các địa phương về việc tổ chức giao thông đối với khu vực phong tỏa.
Về kiểm soát xe chở hàng tại chốt kiểm soát dịch, với xe có giấy nhận diện, lực lượng kiểm soát sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng quét mã QR Code trên giấy nhận diện để kiểm tra nhanh các thông tin về xe, người trên xe, hiệu lực của giấy xét nghiệm, hành trình vận chuyển.
Nếu quét mã QR Code thể hiện đầy đủ thông tin theo yêu cầu thì sẽ cho xe lưu thông ngay qua chốt kiểm soát dịch. Nếu phát hiện có thông tin không đầy đủ, chính xác mà người trên xe xuất trình bản chính giấy xét nghiệm còn hiệu lực, bằng lái xe, căn cước công dân còn hiệu lực, khai báo y tế đầy đủ thì cho xe đi ngay qua chốt kiểm soát dịch. Đồng thời, yêu cầu người trên xe tiếp tục tự cập nhật lại các thông tin trên phần mềm tại địa chỉ www.luongxanh.drvn.gov.vn hoặc ứng dụng Luồng xanh;
Còn khi quét mã QR Code phát hiện có thông tin không đầy đủ, chính xác, nếu người trên xe không xuất trình được bản chính giấy xét nghiệm còn hiệu lực, hoặc chưa khai báo y tế thì hướng dẫn xe vào khu vực kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch để kiểm tra và xử lý theo quy định về phòng, chống dịch. Nếu phát hiện người trên xe dương tính với SARS-CoV-2 sẽ tổ chức cách ly theo quy định.
Đối với xe không có giấy nhận diện hoặc có giấy nhận diện nhưng đã hết hiệu lực, lực lượng kiểm soát hướng dẫn xe di chuyển vào khu vực kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch và yêu cầu người trên xe xuất trình được bản chính giấy xét nghiệm. Nếu trường hợp còn hiệu lực, giấy phép lái xe (đối với tài xế), căn cước công dân còn hiệu lực (đối với người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hoá đi theo xe) và đã khai báo y tế thì cho xe lưu thông ngay qua chốt kiểm soát dịch.
Trường hợp người trên xe không xuất trình được bản chính giấy xét nghiệm còn hiệu lực, hoặc chưa khai báo y tế sẽ tiếp tục hướng dẫn và xử lý theo quy định về phòng, chống dịch. Nếu phát hiện người trên xe dương tính với SARS-CoV-2 thì tổ chức cách ly theo quy định.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị người trên xe hạn chế rời khỏi cabin, trường hợp rời khỏi cabin xe phải thực hiện nghiêm "nguyên tắc 5K"; giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2m khi tiếp xúc với người khác; thực hiện sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn hoặc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trong ít nhất 30 giây.
Ngoài ra, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải cũng quy định các yêu cầu với hoạt động vận chuyển công nhân, chuyên gia ra, vào hoặc đi qua vùng dịch; hoạt động vận chuyển người về từ vùng có dịch do UBND cấp tỉnh thực hiện…
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Bộ Y tế, Thông tin và Truyền thông chia sẻ, kết nối dữ liệu về khai báo y tế, dữ liệu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 và dữ liệu về tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19 của đội ngũ lái xe; quy định về cấp độ phòng, chống dịch tại các khu vực để phục vụ công tác tổ chức vận tải an toàn đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về biện pháp phòng, chống dịch đối với hoạt động vận chuyển thi hài trong vùng có dịch hoặc từ vùng có dịch ra các địa phương khác và ngược lại để hỏa táng hoặc an táng…
Mặt khác, các tỉnh, thành phố căn cứ diễn biến, tình hình dịch COVID-19 tại địa phương để chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung thêm các yêu cầu khác so với nội dung tại hướng dẫn tạm thời này trong trường hợp địa phương áp dụng các biện pháp mạnh hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg và thông báo kịp thời cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước khi thực hiện.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức công bố công khai, rộng rãi, kịp thời những thông tin về tổ chức giao thông, phân luồng giao thông, các quy định liên quan để doanh nghiệp và người dân được biết và thực hiện.
Trước đó, ngày 24/8, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quy định cụ thể điều kiện để xe qua chốt kiểm soát với trường hợp đã và chưa được cấp mã QRcode.
Ngoài ra, Bộ này cũng đề nghị ngành giao thông hợp nhất các văn bản hướng dẫn trước đây, để các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và các doanh nghiệp dễ thực hiện.
Theo đại diện Bộ Công Thương, đề nghị trên được Bộ đưa ra khi nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp cho biết vẫn gặp khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hoá trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hoá mùa dịch, nhất là khi đi qua các chốt kiểm soát, thì hướng dẫn doanh nghiệp liên hệ với đường dây nóng của Tổng cục đường bộ (088601664) và Sở Giao thông Vận tải tại địa phương để được hỗ trợ, gỡ khó kịp thời.