Bộ Công Thương: Vụ Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm tập trung kinh tế

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm hành vi tập trung kinh tế, quy định tại điều 18 và Điều 20 của Luật Cạnh tranh năm 2004

Hiện nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã hoàn tất, chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Chú thích ảnh
Grab đã mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Đông Nam Á vào cuối tháng 3/2018. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Việc xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 5, Mục 6, Chương V Luật Cạnh tranh. Theo đó, sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày); Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh; Mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Như vậy "phán quyết" cuối cùng cho vụ việc tốn nhiều giấy mực này vẫn phải chờ quyết định của Hội đồng Cạnh tranh.

Trước đó, ngày 16/4, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ban hành Quyết định điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp Luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam liên quan đến việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Ngày 18/11, Cục này đã kết thúc quá trình điều tra. Ngày 30/11, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ký kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 9, Điều 76 Luật Cạnh tranh.

Khái niệm "tập trung kinh tế" (economic concentration), hay ở Mỹ có thể gọi là chống độc quyền (antitrust). Theo đó, tập trung kinh tế nghĩa là việc hai hay nhiều doanh nghiệp cùng liên kết với nhau (bằng nhiều cách – sáp nhập, hợp nhất, mua lại, ký thoả thuận hợp tác phân chia thị trường…) để chiếm lĩnh thêm thị phần trong thị trường.

Về khía cạnh kinh tế, việc tập trung kinh tế sẽ làm giảm cạnh tranh (do các đối thủ cạnh tranh hợp tác với nhau và việc gia nhập thị trường trở nên khó khăn) và làm méo mó thị trường (distort the market), dẫn đến gây hại cho người tiêu dùng. Chính vì thế, mục tiêu của luật cạnh tranh không chỉ là chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, mà còn để đảm bảo thị trường luôn có cạnh tranh, không có độc quyền, và tạo điều kiện để các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Luật Cạnh tranh vừa đảm bảo duy trì cạnh tranh, vừa đảm bảo sự cạnh tranh đó phải luôn lành mạnh.

Theo Luật Cạnh tranh Việt Nam 2004 thì chỉ cần thị phần kết hợp của hai công ty trong thương vụ chiếm từ 30% trở lên thì đã phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh (Điều 20). Nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp trong thương vụ trên 50% thì xem như là không được kết hợp, trừ trường hợp ngoại lệ (Điều 18).

Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh độc lập do Chính phủ thành lập, có chức năng tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh. Hội đồng này do ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Chủ tịch, cùng các thành viên là đại diện các Bộ Tài chính, Tư pháp, Xây dựng...
Hoàng Dương/Báo Tin tức
Sau những 'nảy lửa' trên tòa, Vinasun và Grab bất ngờ đề nghị hòa giải
Sau những 'nảy lửa' trên tòa, Vinasun và Grab bất ngờ đề nghị hòa giải

Ngày 30/11, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ kiện "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN