Bình ổn giá thuốc - Cần sự vào cuộc của bác sỹ và dược sỹ

Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thuốc thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) năm 2011 gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” và “Thuốc Việt cho người Việt”, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu một số mặt hàng thuốc thiết yếu, ổn định đời sống của người dân trên địa bàn thành phố... Sau một năm triển khai, chương trình bình ổn giá thuốc tại TP.HCM đã đem lại hiệu quả thiết thực nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn.


Nhiều nhà thuốc tham gia nhưng vẫn khó mua thuốc bình ổn


Chương trình bình ổn giá thuốc của TP.HCM ngày càng phát huy tác dụng tích cực. Số lượng nhà thuốc tự nguyện đăng ký tham gia bán thuốc bình ổn ngày càng tăng. Nhiều bệnh viện đã có các giải pháp giới thiệu thuốc bình ổn để bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân. Các phòng y tế quận, huyện đã tích cực hơn trong việc triển khai chương trình bình ổn thuốc. Doanh số bán thuốc bình ổn tăng theo từng tháng. Từ tháng 5/2011 đến tháng 1/2012, tổng doanh số thuốc bán ra thị trường trên địa bàn thành phố là 6,270 tỷ đồng.


 

Chương trình bình ổn giá thuốc giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi phí về bệnh tật.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện có 9 doanh nghiệp dược trong nước tham gia chương trình bình ổn giá thuốc, với 13 nhóm thuốc, 85 mặt hàng, tăng 40 mặt hàng so với năm 2011. Bên cạnh các loại thuốc chữa trị các bệnh thông thường còn có nhiều loại thuốc kháng sinh và thuốc trị bệnh mãn tính. Theo thống kê của Sở Y tế, hiện trên địa bàn TP.HCM có 3.687 nhà thuốc đạt chuẩn GPP, trong đó có 1.383 nhà thuốc tham gia vào chương trình bình ổn, chiếm tỷ lệ 30%. Việc bán thuốc bình ổn tùy thuộc vào mô hình bệnh tật của địa bàn dân cư, việc kê đơn thuốc của bác sĩ, sự quan tâm của người dân và khả năng giới thiệu thuốc bình ổn của các điểm bán thuốc.


Bà Nguyễn Minh Trân, Công ty Euvipharm cho biết: Năm ngoái, Euvipharm có 6 mặt hàng tham gia chương trình bình ổn, năm nay tăng thêm 15 mặt hàng, trong đó bổ sung thêm các loại thuốc trị bệnh tim mạch, thuốc kháng sinh… Các loại thuốc tham gia chương trình bình ổn có giá bán ổn định, đảm bảo thấp hơn giá thị trường 10 – 15%.


Mặc dù, Sở Y tế đã có những cuộc vận động tuyên truyền và số lượng nhà thuốc đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá thuốc ngày càng tăng nhưng người dân vẫn khó tiếp cận được với các loại thuốc bình ổn.


Chị Minh Nhựt, ở quận Thủ Đức cho biết: “Tôi cũng nhiều lần tìm mua thuốc bình ổn. Nhưng để mua đủ một toa thuốc bình ổn theo đơn của bác sĩ thì phải chạy đi gom cả mấy nhà thuốc may ra mới đủ”.


Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận, người dân vẫn chưa tiếp cận được với thuốc bình ổn là do một số nhà thuốc trên địa bàn dân cư còn chưa chủ động trong việc kinh doanh đầy đủ thuốc có trong danh mục hàng bình ổn và chưa quan tâm giới thiệu thuốc bình ổn cho người dân. Các doanh nghiệp tham gia phân phối thuốc bình ổn vẫn còn chưa đưa thuốc kịp thời đến một số điểm bán thuốc do nhân lực ít, điểm bán nằm rải rác khắp thành phố, doanh số mua thuốc của các điểm bán thấp… Các bác sĩ điều trị cũng chưa thật sự quan tâm nhiều đến việc kê đơn thuốc bình ổn trong điều trị.

Người trong cuộc chưa mặn mà


Qua các cuộc thanh kiểm tra, đa số những nhà thuốc tham gia chương trình bình ổn giá thuốc trên địa bàn TP.HCM căn bản đều thực hiện tốt việc bán hàng như treo băng rôn, niêm yết giá và giới thiệu thuốc bình ổn đến tay người tiêu dùng.


Dược sỹ Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, nhà thuốc Bảo Quỳnh (quận 3) cho biết: Thông qua các chương trình vận động tuyên truyền, người dân đã dần tin tưởng vào thuốc Việt Nam nhiều hơn. Chương trình bình ổn giá thuốc cũng góp một phần không nhỏ vào việc tuyên truyền cho thuốc Việt. Năm 2011, các nhà thuốc tham gia chương trình đăng ký bán 45 loại thuốc bình ổn nhưng năm nay đăng ký tăng lên 85 mặt hàng thuốc. Thuốc bình ổn có 2 nhóm, nhóm thuốc thông thường không cần kê đơn thì các nhân viên ở nhà thuốc có thể giới thiệu cho người dân, còn lại là nhóm thuốc điều trị bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, mỡ máu… thì đòi hỏi phải có bác sĩ kê đơn. Việc gia tăng các loại thuốc điều trị bệnh mãn tính trong chương trình bình ổn giúp người dân bớt lo lắng với giá thuốc, vì với các bệnh mãn tính người dân phải sử dụng thuốc trong thời gian dài và thuốc thường có giá khá cao.


Tuy nhiên, bên cạnh đó thì vẫn còn nhiều nhà thuốc không mặn mà tham gia chương trình này hoặc nếu có tham gia thì cũng chỉ tham gia một số loại thuốc để cho có phong trào. Bởi, nhiều nhà thuốc cho rằng: Nếu tham gia chương trình này thì lợi nhuận kinh doanh không cao và không tự ý nâng được giá bán theo thị trường.


Dược sỹ M.H, người bán hàng của một cửa hàng thuốc tại quận Gò Vấp cho biết: Khi Sở Y tế vận động tham gia chương trình bình ổn giá thuốc thì nhà thuốc cũng đồng ý tham gia nhưng chỉ đăng ký có 3 mặt hàng thuốc trên tổng số 85 mặt hàng thuốc bình ổn. Bởi nếu đăng ký nhiều thì lợi nhuận sẽ giảm, trong khi đó vật giá leo thang, tiền trả lương cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng tăng.


Nhận định về chương trình bình ổn giá thuốc, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định, thực hiện chương trình bình ổn giá thuốc năm 2012 các chủ nhà thuốc triển khai khá tốt chương trình này. Trong thời gian tới, Sở sẽ vận động để 100% nhà thuốc đạt chuẩn GPP tham gia chương trình bình ổn giá thuốc.

Tăng cường các biện pháp thanh kiểm tra


Chương trình bình ổn giá thuốc sau một năm triển khai đã có tác dụng tích cực: Thuốc bình ổn đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người bệnh, giúp người dân được hưởng lợi từ việc dùng thuốc với giá thấp và ổn định. Thuốc bình ổn có chất lượng, hiệu quả điều trị tốt được người bệnh quan tâm.


Để chương trình thật sự mang lại hiệu quả cao, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, công tác truyền thông rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc nội cũng như thuốc bình ổn. Việc huy động sức mạnh của hệ thống các cơ quan, ban ngành, đặc biệt các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh thuốc sẽ giúp Chương trình đạt được hiệu quả và các mục tiêu đề ra.


Đặc biệt là phải tổ chức thanh kiểm tra, giám sát và nhắc nhở việc thực hiện chương trình bán thuốc bình ổn tại các doanh nghiệp và các điểm bán thuốc bình ổn. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện đến các cơ sở khám chữa bệnh, các phòng y tế quận, huyện. Sở Y tế cử các chuyên viên đến phòng y tế quận, huyện hướng dẫn, phổ biến chương trình bình ổn giá thuốc và “Thuốc Việt cho người Việt” cho người hành nghề. Đưa các thông tin về chương trình bình ổn giá thuốc lên các phương tiện truyền thông, website.


Tuy nhiên, chương trình bình ổn giá thuốc có thành công hay không, thuốc bình ổn giá có đến tay người bệnh hay không còn phụ thuộc nhiều vào bác sĩ kê đơn thuốc và dược sĩ bán thuốc. Do đó, Sở sẽ chỉ đạo, nhắc nhở các bác sĩ điều trị chú trọng việc kê đơn các thuốc trong chương trình bình ổn cho người bệnh.


Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN