Cụ thể, theo ngành công thương ở một số tỉnh, thành khu vực phía Nam, trong những tháng gần đây, giá thịt lợn tại khu vực này đã tăng mạnh và dự báo sẽ tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng trong thời gian tới. Chính vì vậy, ngành công thương địa phương đang tăng cường theo dõi sát diễn biến tình hình nguồn cung, giá cả và tránh xuất hiện tình trạng “lũng đoạn” thị trường của một số đơn vị sản xuất, kinh doanh đang dự trữ, cũng như có nguồn cung lớn.
Theo ông Dương Văn Hoàng Hoanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, quy luật cung – cầu, cung thiếu thì giá cả sẽ tăng là điều tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay có một số doanh nghiệp có khả năng sản xuất, cung ứng lớn sản lượng thịt lợn, dẫn đến có thể “chi phối” giá cả thị trường trong thời gian tới là vấn đề đáng quan ngại trong công tác bình ổn thị trường.
Về thông tin chủ trương nhập khẩu thịt lợn, cơ quan quản lý cần công khai, minh bạch thông tin đơn vị nào nhập khẩu, nhập khẩu sản lượng bao nhiêu và phân phối ở đâu… để việc điều phối, bình ổn mặt hàng này ở các địa phương được hiệu quả hơn. Đồng thời, việc nhập khẩu mặt hàng thịt lợn phải có kế hoạch và chiến lược phân phối, tiêu thụ giữa những địa phương trên cơ sở dự báo cung – cầu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, trong những tháng gần đây, mặt hàng thịt lợn trên thị trường diễn biến phức tạp cả về nguồn cung lẫn giá cả, giá liên tục tăng. Tính đến nay, do ảnh hưởng dịch lợn tả châu Phi, giá lợn hơi tăng vọt, còn giá bán lẻ tăng từ 30-40% so với 3 tháng trước.
Ngoài ra, sức mua trên thị trường giảm và chỉ đạt 50 - 60% so với quý 2/2019. Trong 3 tháng nay, tình hình thịt lợn nhập lậu từ Campuchia và Thái Lan qua biên giới Tây Nam Bộ đang “nóng” và diễn ra ở nhiều các tỉnh, thành. Đối tượng nhập lậu theo phương thức tinh vi, với số lượng ít và tập kết giết mổ tại nhà dân; còn không đưa qua biên giới được thì giết mổ tại biên giới và vận chuyển trong đêm vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, ông Phan Lợi cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, ghi nhận trên thị trường tỉnh này, hiện nay thương lái thu mua của người dân khoảng 80.000 đồng/kg. Chiến lược của một số doanh nghiệp có nguồn cung thịt lợn lớn là không tăng giá đột biến, mà tăng giá từng ngày, sau một thời gian thì giá tăng mấy chục ngàn đồng/kg.
Trong bối cảnh giá thịt lợn tăng, bà Trần Phương Nga, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay, Saigon Co.op tham gia bình ổn thị trường 9 nhóm mặt hàng; trong đó có sản phẩm thịt lợn. Trước tình hình giá thịt lợn và những sản phẩm chế biến từ thịt lợn do tác động của dịch tả lợn châu Phi, Saigon Co.op rất cần sự chung tay chia sẻ và phối hợp chặt chẽ của các địa phương để bình ổn mặt hàng thịt lợn, nhất là trong thời điểm cận Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.
Đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, kế hoạch dự trữ nguồn cung thịt lợn của chợ phụ thuộc vào những đơn vị sản xuất, kinh doanh cung ứng. Trên thực tế, việc khan hiếm thịt lợn không ở hệ thống phân phối, mạng lưới chợ… mà do thiếu lợn thịt ở những trang trại sản xuất, chăn nuôi… Cơ quan quản lý nhà nước cần làm việc với đơn vị này để giải quyết nguồn cung. Đồng thời, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành sớm hoàn thiện quy định tiêu chuẩn hàng hóa và xây dựng chuỗi cung ứng để đảm bảo cung – cầu hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Công ty cổ phần Ba Huân, San Hà… cam kết tăng cường trên 30% sản lượng thịt gà và những sản phẩm thay thế cho thịt lợn, nhằm góp phần bình ổn thị trường. Ngoài ra, những doanh nghiệp chủ lực trong ngành gia súc, gia cầm nói riêng và các ngành thực phẩm nói chung cũng đã và đang khẩn trương chuẩn bị, dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ cũng như bình ổn thị trường Tết.
Với diễn biến "nóng" của tình hình thịt lợn, Tp. Hồ Chí Minh cần sự hỗ trợ cung cấp thông tin, biến động nguồn cung và nguyên nhân thị trường khan hiếm. Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, sản lượng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu tại Tp. Hồ Chí Minh dự báo có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường; cùng với đó là những doanh nghiệp chủ lực công ty San Hà, Vissan…
Vì vậy, các địa phương cần tính đến sức mua của thị trường và khả năng cung cứng của địa phương để thực hiện tốt việc bình ổn thị trường. Từ đó, địa phương có giải pháp kịp thời để đảm bảo cân đối cung – cầu, đáp ứng dủ nhu cầu thị trường tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 và thời gian tiếp theo.