Ảnh minh họa: Nguyễn Thành/TTXVN
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre, nguy cơ bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở địa phương thời gian tới có khả năng lây lan rất cao nếu không tổ chức tiêm phòng vaccine thật tốt cho đàn gia súc, đặc biệt là ý thức của người dân trong việc tự tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Hiện nay, ngoài việc tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh viêm da nổi cục, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre đang tập trung tiêm phòng ở xã có dịch và các xã vùng uy hiếp, tổ chức tiêu độc, khử trùng diệt virus môi trường bên ngoài.
Ngoài ra, chi cục cũng triển khai cấp hóa chất để diệt những côn trùng, động vật trung gian lây bệnh cho đàn gia súc như ruồi, muỗi, nhặng, mồng.
Đặc biệt, đối với những địa phương có dịch, ngành thú y tỉnh phấn đấu hoàn thành tiêm phòng vaccine phòng bệnh vào ngày 25/8/2021. Đối với những xã, huyện chưa có dịch sẽ tổ chức tiêm phòng dứt điểm vào ngày 25/9/2021, nhằm thực hiện tốt phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Ngành chức năng tỉnh Bến Tre tổ chức chống dịch và tiêm phòng vaccine phòng bệnh miễn phí đối với những xã có dịch và xã vùng uy hiếp. Những địa phương còn lại, người dân tự tiêm phòng cho đàn gia súc theo phương thức xã hội hóa. Đến nay, tỉnh Bến Tre đã cung ứng 27.600 liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục, 276 lít hóa chất Hantox và 840 lít hóa chất Navet-Iodine cho huyện Ba Tri triển khai chống dịch. Đồng thời, đã tiêm phòng 26.898 liều vaccine phòng bệnh cho đàn bò; trong đó, có 4.425 liều tiêm phòng chống dịch tại huyện Ba Tri.
Theo ông Trần Quang Thái, bệnh viêm da nổi cục là bệnh do virus gây ra, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, năng suất sản xuất (sản lượng sữa) của trâu, bò; nếu bệnh nặng sẽ gây chết gia súc. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, giải pháp quan trọng nhất là tiêm phòng vaccine phòng bệnh, do bệnh viêm da nổi cục chưa có thuốc đặc trị.
Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre khuyến cáo các hộ chăn nuôi khẩn trương tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi để đảm bảo phòng bệnh. Bên cạnh đó, do đặc điểm dịch tễ và miễn dịch của bệnh viêm da nổi cục, thời gian đáp ứng miễn dịch của gia súc chậm, khoảng 1 tháng kể từ khi tiêm phòng, vì vậy, người dân cần nhanh chóng tổ chức tiêm phòng, không trông đợi vào nhà nước.
Như tin TTXVN đã đưa, ngày 26/7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre ghi nhận triệu chứng đầu tiên trên đàn bò 4 con trên tổng đàn 9 con của một hộ nuôi tại ấp Phú Lợi, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri (Bến Tre), có dấu hiệu bị bệnh viêm da nổi cục. Đến ngày 9/8, Chi cục Thú y vùng VI đã thông báo kết quả mẫu xét nghiệm.
Sau khi ghi nhận bệnh viêm da nổi cục ở địa phương, UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các ngành, các cấp tập trung triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Bến Tre kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật ở các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, điều hành phòng, chống viêm da nổi cục; phân công địa bàn, nhiệm vụ và gắn trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo trong phòng dịch và chống dịch.
Các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn cập nhật thông tin, tập trung tuyên truyền, kiểm tra giám sát, báo cáo, hướng dẫn, tham mưu kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch viêm da nổi cục khẩn cấp khi dịch xảy ra trên địa bàn; đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn và phòng, ngừa dịch bệnh; nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh bằng vaccine là giải pháp hữu hiệu nhất.
Bến Tre là một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi bò lớn nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.Thời gian qua, do giá cả và đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao, điều kiện chăn nuôi thuận lợi nên việc chăn nuôi bò của người dân tiếp tục phát triển, số lượng đàn bò ngày càng mở rộng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, tỉnh hiện có tổng đàn trâu, bò là 228.167 con, trong đó đàn bò sữa là 2.100 con với giá trị kinh tế rất cao.