Chuyển đổi số trong ngân hàng là sự thay đổi về văn hóa, tổ chức và cách thức hoạt động của ngành thông qua công nghệ. Với ngành ngân hàng, chuyển đổi số còn có nghĩa là cải tiến trong nhiều lĩnh vực liên quan đến dịch vụ bao gồm tự động hóa quy trình, nâng cao trải nghiệm khách hàng, tích hợp dữ liệu, nâng cao tính linh hoạt của tổ chức và bán hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng chuyển đổi số ngân hàng hiện nay đang tập trung vào cải thiện các tính năng trên ứng dụng di động nhằm tăng trải nghiệm khách hàng. Khách hàng có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng như chuyển tiền, gửi tiết kiệm, vay tiêu dùng, thanh toán hóa đơn,… chỉ trên một ứng dụng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết trong thời gian qua, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...
Theo Phó Thống đốc, nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số. Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%. Các công nghệ phổ biến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn... đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC); hoàn thiện Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox); ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn chung (QR Code, tiêu chuẩn thẻ Chip); ban hành các quy định về an toàn, bảo mật thông tin trong hoạt động Ngân hàng...
Theo Ngân hàng Nhà nước, nếu cách đây 5 năm, một ngày có 50.000 giao dịch ngân hàng, hiện nay con số đã lên tới 8 triệu giao dịch /ngày. Giá trị giao dịch lên tới 900.000 tỷ đồng/ngày, tương đương với hơn 40 tỷ USD giao dịch qua ngân hàng. Các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông, với thời gian giao dịch tính bằng giây. Đến nay đã có tới 68% người trưởng thành mở tài khoản với hơn 114 triệu tài khoản ở các ngân hàng khác nhau.
Các giao dịch mobile payment, mobile banking phát triển mạnh mẽ, phát huy tính hữu dụng đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19.
Mục tiêu chuyển đổi số của ngành ngân hàng được đặt ra đến năm 2025 là 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của cá nhân được số hóa.
Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc Công ty tài chính Fe Credit cho biết, chuyển đổi số là một chiến lược quan trọng, tạo nền tảng nhằm giúp hàng triệu khách hàng của Fe Credit có thể tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính dễ dàng. Fe Credit triển khai thành công nền tảng cho vay kỹ thuật số mang tên "$NAP" vào năm 2018. Ứng dụng này được lập trình hoàn toàn tự động, dựa trên những giải pháp định danh điện tử eKYC tiên tiến nhất, giúp công ty hoàn chỉnh quy trình cho vay khép kín trên nền tảng trực tuyến, giúp rút ngắn thời gian duyệt vay cho khách hàng chỉ còn 10 - 15 phút
Không chỉ dừng lại ở áp dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ, theo ông Kalidas Ghose, Fe Credit đang xây dựng hệ sinh thái số nhằm mang lại giá trị gia tăng và trải nghiệm tài chính cho khách hàng. Hệ sinh thái của Fe Credit rất đa dạng, có nhiều nền tảng số mang tính phòng vệ, phục vụ nhiều nhu cầu tài chính khác nhau của khách hàng.
Hay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), với mục tiêu đến năm 2025 trở thành ngân hàng số đứng đầu, Vietcombank đã chủ động xây dựng Đề án chuyển đổi ngân hàng số cùng các chương trình hành động chuyển đổi số thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Hiện nay, số lượng khách hàng có tài khoản tại Vietcombank đạt trên 21 triệu; trong đó trên 50% khách hàng thường xuyên giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Quy mô giao dịch qua các kênh số của Vietcombank đạt gần 9 triệu khách hàng, tăng hơn 5 triệu khách hàng trong 3 năm từ năm 2019 đến nay và mục tiêu đạt trên 10 triệu khách hàng đến hết năm 2022, đặc biệt, trên 85% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã từng nhận định, ngành ngân hàng đang đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, là ngành đầu tiên có Ngày Chuyển đổi số của ngành (11/5).
"Ngành ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Ngành ngân hàng chuyển đổi số nhanh sẽ thúc đẩy cả nước chuyển đổi số nhanh. Chuyển đổi hướng dùng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số là sự chuyển đổi mang tính cách mạng", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng vẫn còn nhiều hạn chế như cơ chế, chính sách của ngành cần phải đẩy nhanh và cập nhật kịp thời, hoàn thiện để phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, xu hướng tội phạm công nghệ cao từ khắp nơi trên thế giới, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, cũng là một trong những thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tập trung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, hoạt động liên tục hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, các hệ thống thông tin quan trọng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.