Bất chấp dịch COVID-19, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6%

Trong khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỷ USD, vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại chương trình.

Chia sẻ tại Lễ khai mạc tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 chiều 20/4, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực.

Điển hình, trong 3 năm trở lại đây, giá trị thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh theo báo cáo đánh giá từ Brand Finance - tập đoàn hàng đầu thế giới về đánh giá thương hiệu các quốc gia. Theo báo cáo từ Brance Finance, năm 2021, THQG Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỷ USD, vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

“Việt Nam hiện là 1 trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm. Đây là “bệ phóng” rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới”, ông Hải cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Minh chứng là rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng qua từng năm từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021.

Bên cạnh gia tăng về số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo đánh giá của Brand Finance cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.

Video: Nâng tầm Thương hiệu quốc gia ra nước ngoài

Ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá, Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp thương hiệu lớn mạnh vươn ra “sân chơi” quốc tế. Thời gian qua đã chứng kiến sự phát triển không ngừng của cộng đồng nguời Việt và doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần làm cầu nối đưa hàng Việt ra thị trường thế giới.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế, phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương… đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường, đặc biệt là các thị trường đang phục hồi mạnh sau đại dịch nhằm tận dụng đà tăng trưởng của kinh tế thế giới.

“Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hệ thống các cơ quan thương mại, thương vụ sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các chuyên gia, người Việt Nam ở nước ngoài kết hợp với các doanh nghiệp trong nước để quảng bá hàng Việt ra thế giới”, ông Hiệu nhấn mạnh.

Thu Trang/Báo Tin tức
Phát triển văn hóa đọc thành ‘thương hiệu quốc gia’
Phát triển văn hóa đọc thành ‘thương hiệu quốc gia’

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022 là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Từ việc tôn vinh giá trị của sách, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách, sự kiện càng khẳng định tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN