Bất cập trong quản lý Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới, với giá trị, tài nguyên đa dạng sinh học phong phú. Tuy vậy, trước tác động của việc phát triển kinh tế, sự thay đổi sinh kế của người dân, xói lở hàng năm, những bất cập trong quản lý khu bảo tồn... đã và đang làm suy giảm tính đa dạng sinh học, nhất là giảm diện tích và tính đa dạng sinh học của rừng ngập mặn nơi đây.

Ven rừng Ramsar. Ảnh: Huỳnh Lâm - TTXVN.


Hệ động, thực vật Vườn quốc gia Mũi Cà Mau tuy không đa dạng về loài, nhưng do vị trí địa lý đặc biệt đã tạo cho nơi đây một giá trị khoa học và sinh thái riêng biệt. Các nhà khoa học đánh giá rất cao hệ thực vật rừng ngập mặn của Vườn, bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế -xã hội to lớn, cũng như tác dụng ứng phó với biến đổi khí hậu trong chắn sóng và chống xói lở bờ biển. Riêng giá trị du lịch sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau mỗi năm đã lên tới 19,83 tỷ đồng. Ước tính 1ha rừng ngập mặn tạo ra môi trường sống cho 0,7 tấn thủy sản khai thác.

Thạc sĩ Phạm Hạnh Nguyên, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho biết: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập theo Quyết định số 142 ngày 14/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Dựa trên các thông tin điều tra, thu thập được về các yếu tố ảnh hưởng đến tài nguyên đa dạng sinh học của Vườn, đã cho thấy hệ sinh thái của Vườn thuộc hạng nhạy cảm cao. Nguyên nhân là do các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, khai thác tài nguyên thiên nhiên của người dân ngày càng gia tăng trong khu vực.

Động vật đặc hữu trong Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: Chí Bắc - TTXVN


Tuy các xã tiếp giáp Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có mật độ dân cư thưa thớt nhưng tỷ lệ hộ nghèo khá phổ biến, trong đó có tới 14,7% số hộ không có đất sản xuất nên phần lớn hành nghề lâm-ngư nghiệp, đánh bắt thủy sản ven bờ bằng nghề đáy, lưới rê, câu mồi ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản và sinh thái, môi trường; còn diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở phân khu phục hồi sinh thái của Vườn theo hình thức quảng canh cải tiến.

Chính vì vậy, nguồn lợi thủy, hải sản tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau không những đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các hình thức khai thác hủy diệt, mà vấn đề tập trung quá nhiều cả người địa phương và người ngoại tỉnh vào khai thác ở những thời điểm xuất hiện con giống, cũng gây cạn kiệt dần nguồn lợi tại vùng đất ngập nước này.

Giang sen sinh sống trên vùng đất ngập nước. Ảnh: Võ Thanh Trà - TTXVN


Do đó, cần phải có các giải pháp quản lý tốt hơn đối với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, trong đó phải đặc biệt lưu ý đến sinh kế của người dân địa phương, vì các tác động đến tài nguyên đa dạng sinh học hầu hết là do các hoạt động của con người gây ra. Trước hết là ổn định và nâng cao đời sống cho dân cư trong vùng để giúp họ tránh được các hành vi phá rừng và đánh bắt thủy, hải sản bừa bãi.

Đồng thời nghiên cứu, thực hiện việc chi trả dịch vụ hệ sinh thái, xem đây là một chiến lược tạo cơ chế tài chính cho bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân trong vùng. Cần tăng cường sự phối hợp giữa các nhà quản lý địa phương với các nhà khoa học và người dân, trong việc xác định các giải pháp ứng phó nhằm bảo vệ đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau một cách bền vững.


Văn Hào
Vườn Quốc gia Cát Tiên cứu hộ nhiều cá thể động vật nguy cấp
Vườn Quốc gia Cát Tiên cứu hộ nhiều cá thể động vật nguy cấp

Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Cát Tiên (Vườn Quốc gia Cát Tiên) đang chăm sóc 34 cá thể gấu (trong đó có 7 cá thể gấu chó và 27 cá thể gấu ngựa), 8 cá thể vượn đen má vàng, 2 cá thể vượn đen má trắng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN