Bất cập khi triển khai Nghị định 67: Từ ngư dân giỏi thành con nợ xấu

Với hy vọng “đổi tàu để đổi đời”, nhiều ngư dân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản để vươn khơi, bám biển. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, hàng loạt bất cập phát sinh đã khiến những con tàu vỏ thép này nằm bờ, ngư dân lâm nợ.

Nguyên nhân do đâu và giải pháp nào để các con tàu 67 tiếp tục vươn khơi, trở thành những cột mốc sống trên biển đảo quê hương?

Cứ đi biển là lỗ

Anh Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) là ngư dân xuất sắc tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng, từng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, là chủ của nhiều tàu cá, tàu hậu cần lớn.

Năm 2016, ngư dân Trần Văn Mười vui mừng hạ thủy con tàu vỏ thép đầu tiên của thành phố Đà Nẵng, mang số hiệu ĐNa 90777-TS với công suất máy 822 CV, tổng kinh phí hơn 18,5 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng là 1,5 tỷ đồng và vốn vay ưu đãi hơn 17 tỷ đồng. Chỉ sau khoảng 1 năm khai thác, đến tháng 10/2017, khoản nợ của ngư dân này đã bị ngân hàng chuyển thành nợ xấu do chậm trả nợ. Ba tháng nay, chiếc tàu vỏ thép này được neo trên bờ, chưa hẹn ngày đi biển lại, thuyền viên cũng bỏ sang tàu khác hết.

Anh Mười than thở: "Giờ chuyển thành nợ xấu, nợ chồng nợ trong khi khai thác không hiệu quả. Trước khi đóng tàu vỏ thép, mỗi năm thu nhập từ các tàu khác của tôi được từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Giờ cứ đi biển là lỗ nên 2 năm nay gần như không có thu nhập, còn đang nợ tiền dầu 300 triệu đồng chưa trả được. Trước khó khăn này, chúng tôi kiến nghị ngân hàng cho giãn nợ, vẫn tính lãi suất ưu đãi 1% như cũ chứ không tính lãi 7% như thời gian gần đây. Nợ chồng nợ tạo tâm lý chán nản, đã vay rồi nên giờ như ngồi trên lưng cọp, tôi cũng không biết phải xoay xở ra sao".

Theo anh Mười, lý do tàu vỏ thép khai thác không hiệu quả là do chi phí quá lớn trong khi thiết kế lại không phù hợp. “Tàu tôi khi đăng ký đóng theo nghề chụp mực, nhưng khi đi làm thực tế lại không được, mỗi khi ra biển cần chụp thì tàu bị nghiêng, độ lắc tàu quá lớn dẫn đến gãy cần. Cần bị gãy liên tục nên công ty bảo hiểm không chịu chi trả. Thiết kế tàu này không phải là thiết kế tàu cá mà là tàu vận tải. Khi không có trọng tải thì tàu bị nổi, lắc, không chạy được, khi ra khơi phải chất hàng cho đủ trên 100 tấn mới chạy được. Các nhà thiết kế đã không nghiên cứu để phù hợp với các ngành nghề của ngư dân", anh Mười nói.

Về nguyên nhân khiến tàu vỏ thép hoạt động kém hiệu quả, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết, để phát triển nghề cá bền vững, cần sự phát triển đồng bộ về phương tiện, kỹ thuật, ý thức chứ không chỉ nâng cấp mỗi phương tiện. Hiện giờ nước ta đang thiếu các trường lớp đào tạo khai thác thủy hải sản chuyên nghiệp, ngư dân chủ yếu đi biển dựa vào kinh nghiệm, trong khi sử dụng tàu vỏ thép thì hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Ông Lĩnh cho rằng, chúng ta đã quá vội vàng trong việc triển khai Nghị định 67, đến bây giờ có thể thấy những ngư dân có trình độ giỏi nhất đã trở thành con nợ xấu sau khi đóng tàu vỏ thép theo nghị định này.

Đà Nẵng chỉ có 6 chiếc tàu vỏ thép, nhưng không tàu nào hoạt động hiệu quả. Có 2 nguyên nhân: Chính quyền chỉ hỗ trợ đóng tàu vỏ thép, nhưng chưa nghiên cứu kỹ thiết kế, chưa đào tạo chuyển giao công nghệ cho ngư dân. Thứ 2 là vẫn còn kẽ hở trong quản lý, không nắm được cụ thể số tiền lời lãi của ngư dân, các ngư dân cứ báo lỗ thì ngân hàng cũng không thể biết.

Thêm nữa, tàu vỏ thép 67 chỉ có một số mẫu thiết kế nhất định để lựa chọn, nhưng vùng biển Việt Nam rất dài, thời tiết từng vùng khác nhau, nên biên dạng của con tàu trên các vùng biển cũng phải khác nhau. Với mỗi loại lưới khác nhau, hình dáng tàu cũng phải khác, như có loại lưới cần mũi tàu cao, có loại lưới thì mũi tàu thấp,  hay có loại lưới cần thân tàu dài, có loại lưới cần tàu to ngang.

Ông Lĩnh lấy ví dụ: "Đánh mực nang về đêm, khi đưa giàn cao lên để phơi thì tàu rất dễ lật, cần phần dưới phải nặng hơn. Còn như nghề câu cá ngừ đại dương thì phải chạy tốc độ nhanh chứ không cần nặng. Tôi thấy các thiết kế tàu cá vỏ thép vừa rồi thiên về tàu chở hàng, tàu giao thông vận tải nên không phù hợp với công nghệ đánh bắt".

Tạo lực đẩy cho tàu vỏ thép vươn khơi

Về giải pháp cho những con tàu 67, ông Trần Văn Lĩnh nhận định: "Những người vay tiền đóng tàu vỏ thép đều có trách nhiệm với những khoản nợ của mình, vì họ là những ngư dân giỏi thật sự. Tuy nhiên, bây giờ kiến nghị, xử lý như thế nào là vấn đề khó. Có những ngư dân đòi trả lại tàu cho ngân hàng, vì cho rằng đóng tàu không đúng kỹ thuật, ra khơi không hiệu quả không thu được tiền trả nợ. Nhưng chắc chắn không ngân hàng nào muốn nhận lại những con tàu đó và lỗi kỹ thuật cũng không thuộc trách nhiệm của ngân hàng. Vì vậy, để giải quyết vấn đề cần tạo thêm “lực đẩy” để các tàu vỏ thép vươn khơi hiệu quả, tạo ra lợi nhuận, giúp các ngư dân trả được nợ và phát triển kinh tế gia đình".

Về phía Hội nghề cá thành phố, đã động viên những ngư dân đang nợ ngân hàng phải nỗ lực học hỏi, nâng cao kiến thức, tiếp tục chỉnh sửa, cải hoán nghề của mình. Thậm chí nếu cần thiết phải chuyển đổi vùng đánh bắt, hoặc học những phương thức đánh bắt mới để sản xuất đạt hiệu quả hơn. Về phía chính quyền cũng nên giãn nợ cho ngư dân và hỗ trợ đào tạo họ những kiến thức, công nghệ nghề cá, có như vậy nghề cá mới bền vững.

"Tất nhiên, người ngư dân phải chịu trách nhiệm trong việc làm ăn không hiệu quả, nhưng nhà nước cũng có trách nhiệm vì đã quá vội vàng trong việc đóng loại tàu mới mà chưa có sự chuẩn bị cho ngư dân. Mặt khác, để đề phòng một số ngư dân cố tình khai báo gian dối về thu nhập, chây ì không trả nợ thì cần có các biện pháp siết chặt quản lý việc mua bán thủy sản", ông Lĩnh cho biết thêm.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đỗ Tám, ngay từ đầu, Đà Nẵng đã siết chặt quy trình xét duyệt vay vốn nên số lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 rất ít, chỉ có 6 chiếc. Hiện nay, Sở đang chờ các báo cáo của bên ngân hàng và cùng tìm cách xử lý. Thành phố hiện có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân nói chung và tất cả các tàu đánh bắt xa bờ đều được hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để lắp đặt trên tàu cá. Các chính sách này sẽ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả kinh tế, an tâm bám biển và góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tại kỳ họp thứ 11 vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025. Theo đó, sẽ có khoảng 700 tàu cá được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu với tổng kinh phí hỗ trợ đến 64,66 tỷ đồng; hỗ trợ 100% kinh phí cho 550 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với tổng kinh phí 30,8 tỷ đồng; hỗ trợ 140 tàu mua máy móc, lắp đặt thiết bị bảo quản với tổng kinh phí hỗ trợ 70 tỷ đồng.

Quốc Dũng (TTXVN)
Bất cập khi triển khai Nghị định 67: Ngân hàng khởi kiện ngư dân
Bất cập khi triển khai Nghị định 67: Ngân hàng khởi kiện ngư dân

Mặc dù Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) được kỳ vọng là cơ hội để ngư dân đổi đời, thế nhưng việc thực thi chính sách này trên thực tế không mấy thuận lợi ở tỉnh Khánh Hòa, khi nhiều chủ tàu được đóng mới theo Nghị định này, sau một thời gian ngắn hạ thủy, người thì bị ngân hàng khởi kiện, người thì để tàu "nằm bờ".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN