Hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm này vẫn diễn ra với hình thức ngày càng tinh vi hơn.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các vụ việc vi phạm còn xuất hiện và phổ biến trên các kênh thương mại điện tử với tốc độ và quy mô ngày càng lớn khiến cho lực lượng chức năng rất khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý.
Vấn nạn này, ngoài việc ảnh trực tiếp tới nền kinh tế, quyền lợi của người tiêu dùng, còn gây tác động tới giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trước thực trạng đó, sáng 30/6, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”.
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã dùng từ “nhức nhối” khi nói về tình trạng này và đánh giá, từ giữa năm 2022 khi dịch COVID-19 có dấu hiệu dừng thì vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu sôi động trở lại. Sự nhức nhối của hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, tinh vi.
Theo ông Trần Hữu Linh, sự phức tạp, tinh vi này thể hiện ở cả 3 khía cạnh bao gồm các vấn đề vi phạm về thương hiệu và nhãn hiệu của sản phẩm; chủng loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền; phương thức kinh doanh sản phẩm, hàng giả, hàng nhái. Những vụ việc lớn, các phương thức sản xuất, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng có tổ chức, phạm vi rộng khắp.
Đáng chú ý, ông Linh cho biết từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc đã được rào kín, việc hàng giả đưa qua các đường mòn, lối mở gần như bằng 0. Tuy nhiên, hiện giờ các đối tượng vận chuyển hàng giả về trong nước bằng cách công khai, tổ chức lập doanh nghiệp trà trộn hàng giả đi qua các cửa khẩu chính thức với số lượng lớn.
"Bây giờ đối tượng làm hàng giả rất tinh vi và nghiên cứu pháp luật rất kỹ để luồn lách cơ quan nhà nước, cơ quan thực thi. Rất nhiều sản phẩm hàng giả được làm giống hoặc gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Với những vụ việc này, để xử lý những tranh chấp rất mất nhiều thời gian, thậm chí nhiều khi lực lượng như chúng tôi còn bị các đối tượng đấy kiện ngược lại", ông Linh chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, internet đang là một mặt trận mới, rất nóng bỏng trong công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. "Có lẽ phải đến 80 - 90% hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được tiêu thụ, được mua bán trên mạng. Đây là một mặt trận rất khó khăn, bắt ở ngoài thực tế đã khó rồi, bắt trên mạng còn khó hơn rất nhiều bởi vì đặc thù của internet", ông Linh bày tỏ.
Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ chính mình
Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, các văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá hoàn chỉnh, thậm chí còn có các khung hình phạt khá nặng so với các nước khác với Luật Sở hữu công nghiệp, Luật Thương mại, quy định phòng chống cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các luật chuyên ngành khác quản lý theo lĩnh vực dược phẩm, phân bón, các văn bản xử phạt hành chính, những quy định liên quan tại Bộ luật hình sự... Tuy nhiên, việc thực thi các chế tài trong thực tế cần hiệu quả hơn nữa.
“Quan trọng nhất là thức tỉnh nhận thức, nâng cao nhận thức, bắt đầu từ việc doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì chính doanh nghiệp phải chủ động, không phải đợi cơ quan chức năng, còn người tiêu dùng muốn bảo vệ mình phải trông cậy vào các hiệp hội là những người đại diện cho mình, hoặc thông qua các luật sư, từ đó tạo thành một cơ chế hợp tác đa bên giữa tất cả các bên để giải quyết vấn nạn chung”, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho biết.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền - Đại diện Bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, để phòng ngừa các hành vi vi phạm, công ty tích cực triển khai các hoạt động hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, các nhà phân phối và người tiêu dùng.
Đối với thương hiệu sản phẩm của mình, URC luôn có những thông báo, phổ biến đặc điểm phân biệt rõ ràng về thông tin bảng thành phần cũng như các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra các logo, nhãn sản phẩm cũng như tem sản phẩm.
URC cũng luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện các hàng hóa của công ty có dấu hiệu bị làm giả, làm nhái, công ty chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để xác định các hành vi này có đúng là vi phạm sở hữu trí tuệ hay không và từ đó đưa ra các phương hướng xử lý thích hợp.
Bên cạnh đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc phòng, chống hàng nhái, hàng giả, bà Bùi Thị Thu Hiền cũng đề nghị làm sao để đẩy nhanh được quá trình xử lý vi phạm, đồng thời có thể nâng cao mức hình phạt đối với chủ thể vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là những hành vi vi phạm nhiều lần để nhằm tăng tính răn đe cho đối tượng vi phạm.
Về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh cho hay, bên cạnh tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, các ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung phối hợp với tất cả các bộ, ngành liên quan cùng triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử.
Cùng với đó, ông Trần Hữu Linh cho rằng, tất cả các chủ thể, từ người sản xuất, người bán cho đến người tiêu dùng mua hàng đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, do vậy phải ưu tiên công tác phòng ngừa mang tính chiều sâu.
Để phòng ngừa, lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp tác động đến cả người sản xuất, người kinh doanh cũng như người mua hàng như: tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện truyền thông theo mục tiêu "mưa dầm thấm lâu" để dần thay đổi tâm lý, thói quen thỏa hiệp sử dụng hàng giả, hàng vi phạm của một bộ phận người tiêu dùng; tổ chức các tuần lễ trưng bày hàng thật - hàng giả để cung cấp cho người tiêu dùng những dấu hiệu nhận biết hàng giả…
"Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý e ngại, khi biết trên thị trường có sản phẩm của mình bị làm giả sẽ ngại ảnh hưởng đến thương hiệu nên tránh né, dẫn đến người tiêu dùng biết thương hiệu sản phẩm có hàng giả nên có thể không mua nữa", ông Trần Hữu Linh chia sẻ và khuyến nghị, tốt nhất doanh nghiệp cần chủ động phối hợp trực tiếp với các lực lượng chức năng, lực lượng thực thi như Quản lý thị trường để cung cấp thông tin hàng giả, phối hợp kiểm tra, xử phạt, xử lý ngay.